Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Việt Nam - Canada: Mẫu hình thành công trong việc thực hiện CPTPP

2021-03-23 19:52:00.0

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tỷ lệ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Canada có chậm lại, nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với trung bình tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó cho thấy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada là 1 trong mẫu hình thành công nhất, hiệu quả nhất trong việc thực hiện CPTPP.

Tăng trưởng ấn tượng sau 2 năm thực thi

Là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam và Canada đang đứng trước cơ hội đặc biệt để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư song phương thông qua việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên giữa hai bên này. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 10 về GDP, thứ 2 về xuất khẩu và thứ 13 về nhập khẩu của thế giới năm 2019, Canada đã và đang trở thành một đối tác thương mại rất tiềm năng của Việt Nam ở thị trường châu Mỹ.

Việt Nam - Canada: Mẫu hình thành công trong việc thực hiện CPTPP

Từ góc độ thương mại hàng hóa, Việt Nam có tiềm năng lớn ở nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm công nghiệp nhẹ. Trong khi đó, Canada lại là một quốc gia công nghiệp phát triển giàu tài nguyên, có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu nhiều nguyên liệu và các sản phẩm công nghiệp nặng. Sự bổ sung tương đối trong cơ cấu sản phẩm của Việt Nam và Canada hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội và giá trị gia tăng cho thương mại song phương. Trong bối cảnh đó, với cam kết cắt giảm thuế quan mạnh, các quy tắc thuận lợi hóa hải quan, hạn chế các rào cản phi thuế… CPTPP được kỳ vọng là con đường cao tốc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Canada phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tại Hội thảo "Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada: Đánh giá 2 năm thực hiện CPTPP - hướng tới tương lai bền vững hậu Covid-19" diễn ra ngày 23/3, bà Deborah Paul - Đại sứ Canada tại Việt Nam – cho rằng: CPTPP khiến cho Canada trở thành nước G7 duy nhất ký hiệp định này, giúp đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Canada. CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam chính là dấu son trong quan hệ hợp tác giữa 2 bên.

Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng liên tục trong giai đoạn 2010 – 2020. Năm 2019- năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2018 (mức tăng trưởng này cao hơn mức trung bình 18% của giai đoạn 2010 – 2018 nhưng vẫn thấp hơn mức 32-35% các năm 2014, 2014).

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn tăng trưởng ấn tượng 13% - cao gấp đôi so với tăng trưởng xuất khẩu chung của Việt Nam năm 2020 là 6,5% và đạt gần 4,4 tỷ USD. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP cho hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam ghi nhận với Canada dù còn khiêm tốn nhưng vẫn vượt trội so với các đối tác còn lại trong CPTPP. Năm 2019, trong khi tỷ lệ tận dụng ưu đãi CPTPP chung của xuất khẩu Việt Nam chỉ đạt 1,67%, tỷ lệ này với Canada vẫn đạt 8%.

“Điều đó cho thấy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada là 1 trong mẫu hình thành công nhất, hiệu quả nhất trong việc thực hiện CPTPP. Kết quả này có được là nhờ những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và doanh nghiệp hai bên trong thiết lập cơ chế, khai phá thị trường, trong kết nối hợp tác kinh doanh giữa hai bên và vượt qua những trở ngại cả khách quan và chủ quan trong suốt hai năm qua.”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Còn nhiều dư địa phát triển

Mặc dù, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng trưởng cao gấp 4 lần mức độ xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang các nước CPTPP, song theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), tiềm năng, tăng trưởng đó vẫn còn hạn chế. Hiện, hàng hóa của Việt Nam vào Canada mới chiếm 1,16% tổng nhập khẩu của Canada, chiều nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam, hàng hóa mới chỉ chiếm 0,34% thị phần tổng nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này cho thấy, dư địa để phát triển trong xuất nhập khẩu giữa hai bên là rất lớn.

"Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Canada còn rất lớn, đặc biệt trong nhiều lĩnh vực như: Chế biến thực phẩm, giáo dục, công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ sạch,... Việc doanh nghiệp Việt Nam và Canada cùng nắm tay nhau đi trên con đường CPTPP sẽ là động lực để hai nước cùng thành công trong giai đoạn mới, đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam - Canada lên tầm cao mới"- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Không chỉ có nhiều dư địa hợp tác kinh tế giữa hai mà các cam kết cắt giảm thuế quan của Canada đối với hàng hóa của Việt Nam trong CPTPP cũng là cơ hội để hàng Việt Nam có thể thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường này. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình ngắn. Tuy nhiên, năm 2019, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP của Việt Nam là 1,67%- mặc dù vượt trội so với các đối tác còn lại trong CPTPP, song vẫn còn khá thấp so với trung bình các hiệp định thương mại tự do khác. “Trong 2 năm qua, hỏi doanh nghiệp điều gì cản trợ việc doanh nghiệp chưa tận dụng ưu đãi thuế quan trong CTPPP. Lý do lớn nhất là 45% các doanh nghiệp không biết gì về ưu đãi thuế quan CPTPPP, đây là điều rất đáng tiếc”- bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Thực tế, CPTPP có nhiều cam kết của Canada có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Để có thể tận dụng tối đa các lợi ích của hiệp định, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên tìm hiểu biểu thuế quan ưu đãi theo CPTPPP của Canada áp dụng cho từng năm cụ thể; tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan; và tìm hiểu một số vấn đề liên quan khác như hải quan, tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại…

Để xuất khẩu vào thị trường Canada, ngoài thuế quan, các sản phẩm của Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề khác mà CPTPP hầu như không can thiệp hay làm thay đổi, đặc biệt là các yêu cầu về nhập khẩu của Canada như các quy định về định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về dán nhãn, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ môi trường… Vì vậy, để thực sự tiếp cận được thị trường này, ông Bùi Tuấn Hoàn – Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) – cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu chi tiết và cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nội địa của Canada và bảo đảm tuân thủ đầy đủ, bao gồm cả luật liên bang và luật nội bang của Canada. Nghiên cứu kỹ thị trường Canada, đặc biệt là các thị trường ngách, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng Canada không quá bảo thủ, họ sẵn sàng thử sử dụng sản phẩm mới nếu giá cả cạnh tranh.

Đặc biệt, cũng cần tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh, nhà phân phối hàng hóa ở Canada, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Canada. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nghiên cứu, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 5135

Thống kê truy cập

Đang truy cập:283

Tổng truy cập: 18303362