Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

UAE - Thị trường tiềm năng cho hàng Việt

2021-06-28 10:38:00.0

Với vị trí địa lí thuận lợi và cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, Các Tiểu vương quốc Ả- rập Thống nhất (UAE) được xem là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông và châu Phi trong những năm tới.

UAE là một nước có nền kinh tế phát triển đa dạng với hạ tầng cơ sở hiện đại và chính sách đầu tư cởi mở.

UAE – Thị trường tiềm năng để hàng Việt thâm nhập, phát triển
Trong tháng 5/2021, điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu sang UAE tiếp tục dẫn đầu các mặt hàng xuất khẩu, với giá trị 224,558 triệu USD

Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế của UAE đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo báo cáo đánh giá Môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu (Global Doing Business Report) của Ngân hàng Thế giới năm 2020, UAE đứng thứ 16/190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nền kinh tế Ả-rập, thậm chí cao hơn một số quốc gia tại châu Âu và châu Á.

UAE nằm trong trong số ít quốc gia hàng đầu thế giới có chất lượng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đứng thứ ba thế giới về chỉ số ứng dụng công nghệ trong phát triển của Chính phủ. Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng chỉ rõ, UAE nằm trong nhóm 20 quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Hiện nay, UAE được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và lao động việc làm.

Với đặc điểm phát triển kinh tế, vị trí địa lí thuận lợi và cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, UAE được xem là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông và châu Phi trong những năm tới. 80% hàng hóa nhập khẩu vào UAE để tái xuất sang nước thứ 3.

Ngoài ra, với việc bình thường hóa quan hệ giữa UAE và một số nước Trung Đông như Qatar, Israel, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường UAE sẽ có thêm nhiều cơ hội để tái xuất hàng hóa sang các thị trường này.

Bên cạnh đó, UAE là quốc gia có yếu tố khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm cũng như điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là sa mạc, không thích hợp cho việc trồng trọt. Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực cũng như phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, UAE phải nhập khẩu rất lớn lương thực và thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới.

Với những yếu tố nêu trên, trong thời gian tới, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng tại UAE và trên thế giới quay trở lại sau dịch bệnh, cũng như các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam, thị trường UAE sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng để thâm nhập và phát triển đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Số liệu thống kê của UAE cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam năm 2017 là 10,3 tỷ USD; 8,19 tỷ USD năm 2018; 8,16 tỷ USD năm 2019. Đáng chú ý, hàng năm, Việt Nam thường xuất siêu sang UAE, đưa UAE tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi và là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trên thế giới (tỷ trọng xuất siêu năm 2017 là 9,4 tỷ USD; 7,3 tỷ USD năm 2018; 6,9 tỷ USD năm 2019).

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE chỉ đạt 4,3 tỷ USD. 5 tháng năm 2021, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là 1,917 tỷ USD và nhập khẩu là 188,637 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu sang UAE chủ yếu là mặt hàng có thế mạnh như: Nông sản, thủy sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến giá trị cao, vật liệu xây dựng, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ…

Về phía UAE, theo Đại sứ quán UAE tại Việt Nam, UAE coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho các khoản đầu tư của nước này. Nhờ hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng trưởng cao, các khoản đầu tư của UAE tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực nòng cốt như hậu cần, cảng biển, hàng không, du lịch, khách sạn bên cạnh ngành truyền thống là dầu khí.

Trong khi đó, Việt Nam đóng góp 30% tổng khối lượng thương mại giữa UAE và các nước ASEAN. Nỗ lực thu hút vốn đầu tư vào cải tạo cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, khoáng sản, xây dựng mở ra cơ hội to lớn cho nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có UAE.

Có thể nói, sự tham gia của các nhà đầu tư và doanh nghiệp của Việt Nam và UAE đã mang lại sức sống mới, cũng như đóng góp ngày càng lớn không chỉ cho tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE mà còn cả khai thác cơ hội để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, nhất là khi cả hai nước đều có những cải cách mạnh mẽ để hướng tới phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần sử dụng một đại lý hoặc nhà phân phối (ký hợp đồng); mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh; thành lập công ty với một đối tác là công dân UAE; nhượng quyền thương mại đối với sản phẩm thực phẩm, đồ uống, hàng thời trang; sử dụng ngôn ngữ Ả Rập khi đóng gói bao bì sản phẩm và quảng cáo...

Tại buổi gặp với Đại sứ UAE tại Việt Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chia sẻ, với vai trò là đầu mối phân ban của Việt Nam trong Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - UAE, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường triển khai hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư với phía UAE nhằm chuẩn bị tốt cho Kỳ họp Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - UAE lần thứ V, dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2021.

Đồng thời mong tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ của ngài Đại sứ và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan phía UAE để Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần này đạt kết quả tốt đẹp, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - UAE lên tầm cao mới.


https://congthuong.vn

Lượt xem: 5114

Thống kê truy cập

Đang truy cập:329

Tổng truy cập: 17932806