Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

TT hàng hóa quốc tế phiên 25/3: Giá đồng loạt giảm mạnh

2021-03-26 16:17:00.0

ên giao dịch 25/3 trên thị trường quốc tế, giá hàng hóa hầu hết giảm mạnh do lo ngại về tình trạng dịch Covid-19 gia tăng ở Châu Âu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm theo xu hướng giảm chung của hàng hóa nguyên liệu trong bối cảnh châu Âu và Châu Á bước vào đợt phong tỏa mới do số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,62 USD (4,3%), xuống 58,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tại thị trường London (Anh) giảm 2,46 USD, tương đương 3,8%, xuống còn 61,95 USD/thùng. Giá dầu mất phần lớn mức tăng ở với phiên trước khi có tin tức về một tàu container lớn mắc cạn ở kênh đào Suez. Con tàu vẫn chưa được đưa ra khỏi tình trạng mắc cạn, song hiện tại thị trường không còn chịu nhiều tác động của sự cố trên bởi chỉ có một phần nhỏ dầu thô trên thế giới được vận chuyển qua kênh đào này.

Nhiều quốc gia ở châu Âu gia hạn các lệnh phong tỏa để hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng từ khu vực này. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.

Trong khi đó, ở các vùng phía Tây Ấn Độ, chính quyền đã ra lệnh cho người dân ở trong nhà vì tỷ lệ mắc COVID-19 mới đạt mức cao nhất trong 5 tháng.

Việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ đã diễn ra nhanh hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng các chuyên gia y tế vẫn lo ngại rằng hoạt động du lịch nghỉ Xuân sẽ thúc đẩy sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ.

Đồng USD mạnh cũng ảnh hưởng đến giá dầu. Phiên này, chỉ số đồng USD đạt mức cao mới trong bốn tháng so với đồng euro khi phản ứng trước đại dịch của Mỹ tiếp tục vượt châu Âu. Đồng USD tăng giá khiến giá dầu, vốn được định giá bằng "đồng bạc xanh" trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh, còn được gọi là OPEC+, dự kiến sẽ cắt giảm nguồn cung hiện tại của họ vào tháng 5 tới tại một cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 1/4. Trước đó, OPEC+ gần đây đã từ chối tăng nguồn cung do lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 sẽ tăng trở lại.

Dự trữ dầu thô của Mỹ ngày 24/3 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu, làm gia tăng áp lực lên giá dầu.

Thị trường năng lượng cũng chịu nhiều áp lực do các nhà sản xuất gặp khó khăn khi bán hàng sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Các nguồn tin trong ngành cho biết, các khách hàng châu Á lấy dầu rẻ hơn từ kho dự trữ trong khi việc bảo trì nhà máy lọc dầu đã làm giảm nhu cầu của họ.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm trong do lợi tức trái phiếu Mỹ tăng và đồng USD đạt mức cao nhất trong bốn tháng, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.727,01 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,5% xuống 1.725,10 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD tăng 0,4%, chạm mức cao nhất kể từ ngày 13/11/2020 trong phiên khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff thuộc trung tâm Kitco Metals cho biết sự chênh lệch lớn về lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Mỹ và các nước châu Âu khiến dòng chảy vào "đồng bạc xanh" gia tăng gây áp lực lên kim loại quý.

Một yếu tố nữa tác động làm giảm giá vàng là lòng tin trên các thị trường tài chính lớn đang bị suy yếu do khu vực đồng tiền chung euro đang áp dụng các lệnh phong tỏa mới để phòng chống dịch COVID-19 lan rộng.

Trong phiên này, giá bạc cũng giảm 0,3% xuống 25,01 USD/ounce vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc xuống thấp nhất hơn 2 tháng là 24,39 USD/ounce.

Jeffrey Christian, nhà quản lý của CPM Group, cho biết, giá bạc sẽ được mức hỗ trợ quanh mức 24 - 25 USD và sau đó tăng nhẹ vào tháng 4 sau khi vàng có khả năng tăng giá và các nhà đầu tư hy vọng nhu cầu kim loại trong ngành chế tạo công nghiệp sẽ mạnh hơn.

Tương tự, giá palađi giảm 0,8% xuống 2.612,48 USD; trong khi bạch kim giảm 1,4% xuống
1.151,00 USD.

Theo Commerzbank, năm nay có thêm nguồn cung bạch kim từ Nam Phi, song nhu cầu ô tô năm nay dự báo tăng nên trong những năm tới nhiều khả năng vẫn thiếu hụt nguồn cung palađi. Theo ngân hàng này, với tình trạng nguồn cung thiếu nghiêm trọng trong năm nay, giá palađi có khả năng lên tới 3.000 USD/ounce.

Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 3 tuần do USD mạnh lên và lo ngại về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,3% xuống 8.775 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 8.702 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 5/3.

Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: “Những lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc và đồng USD mạnh lên là hai yếu tố vĩ mô cơ bản làm cho nhà đầu tư mất hứng thú đối với những hàng hóa mang tính rủi ro cao”.

Lượng đồng lưu kho trên sàn London đã tăng 64% trong tháng này.

Về những kim loại cơ bản khác, giá thiếc tăng 2,1% lên 24.775 USD/tấn. Nhà phân tích thị trường James Willoughby của Hiệp hội Thiếc Quốc tế cho biết việc kênh Suez bị tắc nghẽn bởi tàu container sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nguồn cung thiếc vốn đã eo hẹp.

Giá nhôm phiên vừa qua giảm 0,5% xuống 2.247,50 USD/tấn, nickel iảm 0,3% xuống 16.150 USD, kẽm giảm 0,7% xuống 2,781,50 USD/tấn, trong khi chì giảm 0,2% xuống 1,936 USD/tấn.

Giá quặng sắt Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp do nhu cầu đang được cải thiện và nhà đầu tư bớt lo ngại về việc trung tâm sản xuất thép của nước này sẽ giảm sản lượng.

Lo ngại về việc nguồn cung quặng sắt thế giới có thể bị thắt chặt do lũ lụt ở Australia tắc nghẽn ở kênh đào Suez cũng hậu thuẫn giá quặng tăng.

Kết thúc phiên vừa qua, quặng sắt tteen sàn Đại Liên tăng 2,7% lên 1.067,50 CNY (163,36 USD)/tấn. Tuy nhiên, quặng sắt trên sàn Singapore vẫn giữ nguyên ở mức 155,70 USD/tấn.

Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay do triển vọng sản lượng lúa mì trên toàn cầu sẽ được cải thiện và đồng USD mạnh lên làm cho ngũ cốc Mỹ giảm sức hấp dẫn trên thị trường thế giới. Giá ngô và đậu tương kỳ hạn giao sau cũng giảm cùng xu hướng với các hàng hóa khác trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Theo đó, giá lúa mì phiên vừa qua trên sàn Chicago giảm 12-1/4 US cent xuống 6,12-1/2 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm giảm xuống 6,09 USD, thấp nhất kể từ 28/12/2020. Giá ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 6-3/4 US cent xuống 5,46-1/2 USD/bushel, đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 18-1/2 US cent xuống 14,14-1/4 USD/bushel; dầu đậu tương kỳ hạn tháng 5 giảm 2,5 cent xuống 54,98 US cent/lb.

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 2,287 tỷ tấn trong niên vụ 2021/22, đồng thời hy vọng nguồn cung tăng sẽ được hấp thụ hoàn toàn bởi mức tiêu thụ tăng lên. 
Giá đường giảm mạnh trong phiên vừa qua do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Châu Âu dẫn tới hiện tượng bán tháo trên diện rộng không chỉ ở các thị trường hàng hóa mà cả thị trường tài chính.

Kết thúc phiên, đường thô giảm 0,54 US cent, tương đương 3,5%, xuống 15,09 cent/lb; đường trắng giảm 11,1 USD (2,5%) xuống 439,2 USD/tấn.

Việc Brazil – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới – cũng đang phải gia tăng giãn cách xã hội chống Covid-19, làm giảm tiêu thụ nhiên liệu và gây áp lực lên giá ethanol trong nước. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ mía sản xuất ethanol sẽ giảm đi trong khi mía sản xuất đường tăng lên.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 phiên vừa qua vững ở 1,266 USD/lb, trong khi robusta giảm 1 USD (0,1%) xuống 1.365 USD/tấn.

Lo ngại về nhu cầu yếu đang đè nặng lên thị trường cà phê, khi những nước tiêu thụ cà phê lớn như Đức và Pháp đều phong tỏa chống Covid-19.

Thị trường cà phê Việt Nam tuần này cũng am đạm trong bối cảnh lượng dự trữ ít nhưng nhu cầu mua cũng thấp. Cà phê nhân xô ở Tây Nguyên được bán với giá 31.800-33.000 đồng (1,38- 1,43 USD)/kg, thấp hơn mức 32.800-33.500 đồng của tuần trước; và phê robusta xuất khẩu loại 2 giá cộng 55- 60 USD/tấn so với giá tham chiếu ở London, không thay đổi so với cách đây một tuần.

Indonesia đang thu hoạch cà phê nên nguồn cung tăng lên. Mức cộng cà phê của Indonesia so với giá tham chiếu quốc tế hiện từ 200 đến 220 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn 5 tuần do lo ngại nhu cầu trên thế giới hồi phục chậm lại vì dịch Covid-19.

Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka giảm 5,6 JPY (2,2%) xuống 251,7 JPY (2,3 USD)/kg, trong phiên có lúc xuống chỉ 245,1 JPY, thấp nhất kể từ 15/2. Cao su trên sàn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 5) cũng giảm 20 CNY (0,1%) xuống 14.215 CNY (2.176 USD)/tấn.

Giá hàng hóa thế giới sáng 26/3/2021


http://m.vinanet.vn/

Lượt xem: 5162

Thống kê truy cập

Đang truy cập:333

Tổng truy cập: 17934397