Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tình hình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến nay

2011-04-25 17:16:00.0

Toàn tỉnh Bình Dương hiện nay có 28 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 9.093,25 ha, được phân bố ở 4 huyện, thị: Dĩ An có 06 KCN, diện tích 854,1 ha; thị xã Thuận An có 03 khu với diện tích 694,18 ha; huyện Bến Cát có 9 khu với diện tích 4.112,93 ha

Tình hình phát triển các Khu công nghiệp đến nay:

Toàn tỉnh Bình Dương hiện nay có 28 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 9.093,25 ha, được phân bố ở 4 huyện, thị: Dĩ An có 06 KCN, diện tích 854,1 ha; thị xã Thuận An có 03 khu với diện tích 694,18 ha; huyện Bến Cát có 9 khu với diện tích 4.112,93 ha; huyện Tân Uyên có 3 khu với diện tích 1.839,84 ha và Thị xã Thủ Dầu Một có 7 khu (thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương) với diện tích 1.730,91 ha. Tỉnh cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ đưa KCN Xanh Bình Dương (diện tích 200 ha) ra khỏi quy hoạch dự kiến thành lập.

Về quy mô KCN, diện tích bình quân khoảng 324 ha/khu. KCN lớn nhất là KCN VSIP II - A thuộc huyện Tân Uyên với diện tích 1.008 ha, KCN nhỏ nhất là KCN Bình Đường với diện tích là 16,5 ha. Hiện nay đã có 24 KCN đi vào hoạt động chính thức với tổng diện tích 7.308,85 ha; 04 khu còn lại đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản (Thới Hòa, An Tây, Mapletree, VSIP II – A) với tổng diện tích 1.784,4 ha.

Trong 15 năm qua, các KCN của tỉnh đã thu hút được 1.466 dự án còn hiệu lực, bao gồm 1.091 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 54% số dự án và 55% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh, 365 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 21.077 tỷ đồng. Các dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp có vốn đầu tư tương đối khá với mức bình quân 07 triệu đô la Mỹ/ dự án, với trên 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Các quốc gia có số dự án nhiều và vốn đầu tư lớn là: Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ,…

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN qua từng năm không ngừng tăng lên đáng kể. Đến nay, có trên 1.100 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bình quân hàng năm có từ 60 – 70 doanh nghiệp mới, tốc độ tăng doanh thu hàng năm từ 20 – 25% và đến năm 2010 doanh thu đạt 6,4 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu đạt 3,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong thời gian từ khi thành lập đến nay, các doanh nghiệp KCN tạo nên doanh thu đạt khoảng 36 tỷ đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu 25 tỷ đô la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu 18,5 tỷ đô la Mỹ, nộp ngân sách nhà nước 887 tỷ đô la Mỹ.

Các KCN qua 15 năm đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 292.697 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 59%, riêng lao động là người Bình Dương chiếm 9,75%, số lòn lại trên 90% là lao động từ các tỉnh thành khác. Ngoài ra, các KCN còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong các ngành dịch vụ.

Như vậy, hơn 15 năm qua, mặc dù phát triển trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi và thách thức đan xen nhau nhưng các KCN của tỉnh vẫn vượt qua khó khăn, ổn định và ngày càng phát triển. Việc hình thành và hoạt động của các KCN đã góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh, nhất là sự thành công của KCN Việt Nam – Singapore, được xem là mô hình mẫu của cả nước, VSIP đã làm tiền đề nối tiếp thành công của các KCN sau này.

Các KCN đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, hình thành nên các khu đô thị mới, hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, từng bước học hỏi, tiếp cận kinh nghiệm quản lý làm việc và công nghệ sản xuất tiên tiến của nước ngoài, đời sống của người lao động từng bước được cải thiện. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh đang từng bước chuyển dịch.

Định hướng phát triển và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các KCN trong thời gian tới:

Định hướng phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới:

- Tập trung phát triển 08 KCN đã được phê duyệt thành lập mới và các KCN mở rộng, trước mắt là các KCN mở rộng. Tỷ lệ lấp kín đất công nghiệp cho thuê đến năm 2020 đạt bình quân 70 - 75%, trong đó tỷ lệ lập kín của 24 KCN đã đi vào hoạt động đến năm 2015 đạt 90% trở lên, các khu còn lại đến năm 2020 đạt 60 – 70%;

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả giai đoạn 2011 – 2015 đạt 3 – 4 tỷ đô la Mỹ, giai đoạn 2016 – 2020 đạt 4 – 5 tỷ đô la Mỹ; thu hút vốn đầu tư trong nước của cả giai đoạn đạt từ 8 – 10 ngàn tỷ đồng;

- 100% các KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoạt động với nước thải đạt tiêu chuẩn thải loại; 100% doanh nghiệp KCN có nước thải theo quy định phải đấu nối vào hệ thống thu gom và xử lý của KCN;

- Doanh thu bình quân của KCN tăng từ 18 – 20%;

- Đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến trên trang thông tin điện tử trực tuyến của Ban quan lý KCN.

Các giải pháp thực hiện:

1. Nâng cao chất lượng quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh: chú trọng bố trí các ngành công nghiệp, các nhóm sản phẩm chủ yếu. Xây dựng mô hình KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa cao. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các KCN đã thành lập theo hướng phát triển các ngành công nghệ sạch, sử dụng nhiều vốn và công nghệ kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng, kết hợp sản xuất với ứng dụng nghiên cứu công nghệ cao.

2. Xây dựng đồng bộ các yếu tố cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội và môi trường: khuyến khích các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế có tiềm lực tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN; gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng cho quy hoạch phát triển các khu dân cư mới, các khu đô thị vệ tinh, hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống người lao động và cư dân.

3. Xây dựng chính sách thu hút lao động có trình độ tay nghề phục vụ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp trong KCN và trong tỉnh: Đổi mới hoàn thiện và phát triển hệ thống các trường nghề, trường đại học, cao đẳng, gắn trường học với doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Lao động trong các doanh nghiệp.

4. Xây dựng và thực hiện các chính sách phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường trong các KCN: Tiếp tục thực hiện Đề án Kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2011 – 2016 và Đề án ứng phó sự cố môi trường đã được ban hành. Xây dựng năng lực tự kiểm soát và chủ động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra bảo vệ môi trường.

5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính hướng đến mô hình hành chính điện tử: Triển khai xây dựng và đăng ký tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền qua mạng Internet, thực hiện đúng phương châm “Nghe doanh nghiệp nói, nói doanh nghiệp hiểu, làm doanh nghiệp tin” .


Lượt xem: 8493

Thống kê truy cập

Đang truy cập:402

Tổng truy cập: 18260323