Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

TÌNH HÌNH VỒN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

2021-06-12 16:44:00.0

Chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI. Việt Nam có nhiều điểm mạnh thu hút FDI như: An ninh, chính trị ổn định, có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương, cùng với các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao; chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn 45% đến 50% so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia). Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện, gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Với những thuận lợi kể trên dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, nhưng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD, giảm 49,4% về số dự án và tăng 18,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 342 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7%; có 1.422 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,31 tỷ USD, giảm 56,3%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 430 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 500,8 triệu USD và 992 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 807,2 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2021. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 1,34 tỷ USD, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ 3 với 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư.

Nếu tính riêng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm thì Long An vẫn đứng thứ nhất với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư; Cần Thơ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng số vốn đầu tư là 1,06 tỷ USD chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm.

Những thành tích trong thu hút FDI của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số những hạn chế nhất định. Nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách. Một số địa phương còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương.

Vì vậy trong thời gian tới, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; Thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

 Các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ. Cần yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Những hoạt động này sẽ tác động tích cực đến quá trình chuyển giao công nghệ.

Để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả doanh nghiệp và Chính phủ; Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.


https://www.gso.gov.vn

Lượt xem: 2232

Thống kê truy cập

Đang truy cập:343

Tổng truy cập: 18263715