Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tình hình thực hiện đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương

2011-03-18 14:21:00.0

Ngay từ khi đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Chính phủ phê duyệt ngày 04/12/2008 tại Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Ngay từ khi đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Chính phủ phê duyệt ngày 04/12/2008 tại Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã chủ động phối hợp cùng với các ngành chức năng đưa ra những biện pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả đề án trên; đánh giá kết quả sau 02 năm thực hiện đề án được tổng hợp như sau:

1.      Đặc điểm tình hình khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh trước khi đề án được phê duyệt:

Bình Dương là một tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng; tuy nhiên, chủ yếu là khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, sét gạch ngói, cát, sỏi và một ít khoáng sản kaolin. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 18 điểm mỏ khai thác đá xây dựng, 11 điểm mỏ khai thác sét gạch ngói, 02 điểm mỏ khai thác cát và 02 điểm mỏ khai thác kaolin.

Trong đó, quy mô công suất khai thác và chế biến các loại khoáng sản: cát, kaolin, sét ở mức công suất nhỏ và trung bình (từ vài chục ngàn đến một, hai trăm ngàn m3/ năm); riêng khai thác đá chế biến làm đá xây dựng có quy mô và công suất ở mức cao hơn từ khoảng 300.000 m3/năm đến khoảng 2.000.000 m3/năm (nguyên khối), sản phẩm chủ yếu là các loại đá hộc, đá 4 x 6, 1 x 2, 0 x 4 …

             Mỏ đá Tân Đông Hiệp - Dĩ An - Bình Dương

Có thể nói, Bình Dương là một trong những tỉnh có hoạt động khai thác khoáng sản lớn nhất trong khu vực miền Đông Nam Bộ; tuy nhiên, đánh giá về trình độ áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác và chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều hạn chế như:

- Còn sử dụng nhiều thiết bị, máy móc đã quá cũ, hay hỏng hóc, nhiều khói bụi, công suất làm việc không cao;

- Với những mỏ có quy mô khai thác đá từ 1 triệu m3 (nguyên khối) trở lên, sử dụng nhiều thiết bị xúc bốc, vận chuyển có công suất nhỏ nên phải sử dụng số lượng máy móc thiết bị nhiều, dẫn tới tình trạng tần suất vận chuyển lớn nên phát sinh nhiều bụi và khí thải;

- Công nghệ chế biến đầu tư chưa sâu, thiết bị nghiền sàng trong khai thác đá chủ yếu là máy có công suất nhỏ; chế biến chủ yếu ở dạng sơ chế;

- Máy khoan trong khai thác đá lạc hậu, tự chế nên phát sinh nhiều bụi, di chuyển thủ công là chính, không thể tiến hành khoan nghiêng, năng suất thấp;

- Còn nhiều doanh nghiệp sử dụng phương pháp nổ mìn chưa tiến tiến, sử dụng thuốc nổ chưa thân thiện với môi trường;

- Đồng bộ thiết bị trong khai thác và chế biến chưa hợp lý dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.

2. Kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Đề án:

- Các doanh nghiệp đều ý thức được tầm quan trọng của việc tăng cường đổi mới khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

- Hầu hết các doanh nghiệp đã tiến hành sắp xếp và bố trí lại công tác tổ chức sản xuất để hợp lý, hiệu quả hơn trong thực hiện quy trình khai thác và chế biến khoáng sản;

- Đối với những mỏ khai thác đá có công suất từ 1 triệu m3 (nguyên khối) trở lên đã thay thế ô tô tự đổ tải trọng 15 tấn, máy xúc thủy lực gàu ngược có dung tích gàu 1,2 m3 đã cũ, hay hư hỏng bằng thiết bị máy móc mới, có công suất lớn hơn. Việc giảm số lượng thiết bị máy móc có năng suất thấp bằng máy móc, thiết bị có năng suất làm việc cao hơn; kết hợp với những thiết bị xúc bốc, vận chuyển hiện tại còn hoạt động tốt sẽ giúp cho hiệu quả công tác xúc bốc, vận chuyển được nâng lên;

- Thay thế các thiết bị nghiền sàng có công suất nhỏ 75 tấn/giờ hiện dùng bằng những máy có công suất từ 250 - 400 tấn/giờ, đã giảm được diện bố trí bãi chế biến và dễ dàng hơn trong khống chế bụi phát thải;

- Thay thế các thiết bị khoan tự chế bằng máy khoan thủy lực để nâng cao năng suất khoan; sử dụng khoan mũi khoan có đường kính từ 90 – 105 mm;

- Đã có 06/18 điểm mỏ khai thác đá xây dựng chuyển đổi phương pháp nổ mìn từ nổ mìn vi sai điện sang vi sai phi điện. Đây là một phương pháp nổ mìn tiên tiến nhất hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và giảm thiểu tác động tới môi trường trên các phương diện như: giảm được khí thải, chấn động công trình và an toàn hơn với người sử dụng;

- Thuốc nổ có cân bằng oxy, ít sinh khí độc hại như: Anfo, Sofanit, Nhũ tương ... được tăng cường sử dụng tại các doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn góp phần giảm thiểu ô nhiễm do hoạt động nổ mìn gây ra;

- Có 04 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008;

- Sở Công thương và Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành công tác lập bản đồ GIS trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Những kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” là rất khả quan; từ đó góp phần vào việc xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục thực hiện từ nay cho đến năm 2015 đó là:

- Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiêp tăng cường đổi mới công nghệ, sử dụng những công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản thân thiện với môi trường;

- Thay thế những thiết bị xúc bốc, vận chuyển, chế biến cũ, công suất thấp, phát sinh nhiều khí thải bằng những thiết bị mới, phát sinh ít khí thải; đối với những mỏ đá lớn nên thay thế bằng các thiết bị có công suất lớn hơn, để giảm được số lượng máy móc thiết bị sử dụng; qua đó giảm được lượng khí phát thải và bụi phát sinh trong quá trình hoạt động;

- Tiến hành sắp xếp và bố trí lại vị trí lắp đặt các trạm nghiền sàng, bố trí khu vực chế biến tập trung, tránh hướng gió chính phát tán bụi về phía các khu dân cư, để thực hiện việc khống chế bụi phát sinh do hoạt động nghiền sàng được thuận lợi, dễ dàng;

- Thay thế máy khoan tự chế bằng máy khoan thủy lực có năng suất cao, giảm được số lượng máy khoan sử dụng, các thiết bị khoan có bộ phận hút bụi để giảm bụi phát thải ra môi trường;

- Chuyển đổi phương pháp nổ mìn vi sai điện sang vi sai phi điện, tiến tới không sử dụng những loại thuốc nổ còn phát sinh khí thải độc hại;

- Tăng cường sử dụng thiết bị lớn và áp dụng hệ thống khai thác theo lớp bằng để góp phần ổn định bờ mỏ lộ thiên.

Thực hiện tốt những nội dung nêu trên sẽ góp phần vào việc đổi mới và hiện đại hóa ngành công nghiệp khai khoáng, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản do thiên nhiên ban tặng và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản gây ra.

 


Lượt xem: 302

Thống kê truy cập

Đang truy cập:407

Tổng truy cập: 17946864