Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tình hình hoạt động của Hiệp hội chế biến gỗ, Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc và các doanh nghiệp trong hiệp hội

2011-04-26 17:14:00.0

Đầu tháng 4 vừa qua, Sở Công Thương Bình Dương đã có buổi trao đổi làm việc với Hiệp hội chế biến gỗ, Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc cùng một số doanh nghiệp trong Hiệp hội để nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Đầu tháng 4 vừa qua, Sở Công Thương Bình Dương đã có buổi trao đổi làm việc với Hiệp hội chế biến gỗ, Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc cùng một số doanh nghiệp trong Hiệp hội để nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Hiện nay, tình hình hoạt động của đa số các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, do tình hình lạm phát, đồng tiền bị trượt giá, khiến giá cả của các sản phẩm đầu vào đều tăng cao như nguyên vật liệu, điện, xăng, ... trong khi giá của sản phẩm bán ra lại không tăng hoặc tăng không đáng kể.
Mặc dù có nhiều chính sách khuyến khích người lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu cả về lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Lực lượng lao động hiện nay lại thường không ổn định mà đây đều là các ngành đặc thù, để trở thành thợ có tay nghề giỏi cần phải qua đào tạo trong thời gian dài, do đó cũng gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong việc đào tạo lại.
NGÀNH CHẾ BIẾN GỖ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương đối với ngành chế biến gỗ có 02 dạng doanh nghiệp: Doanh nghiệp vốn trong nước với 280 doanh nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 257 doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì khi vay vốn bằng USD ở các ngân hàng nước ngoài lãi suất chỉ 2,5%/ năm, trong khi đó doanh nghiệp trong nước khi vay vốn ở các ngân hàng trong nước bằng USD lãi suất là 6-8%/năm và Việt Nam đồng là 18-20%/năm. Vì vậy ngay trên địa bàn trong tỉnh thì các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có lợi thế cạnh tranh trong giá bán sản phẩm hơn các doanh nghiệp trong nước.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều cần vốn để mua nguyên vật liệu, tuy nhiên trong quý I/2011, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại lên cao (dao động từ 18-20%) nên đa số các doanh nghiệp chỉ vay vốn đủ để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian ngắn, không dám mua nguyên liệu để dự trữ. Như vậy, doanh nghiệp muốn kinh doanh có lãi phải đảm bảo tỷ lệ sinh lời khoảng 30% và trong bối cảnh hiện nay thì việc sinh lời khoảng 30% khó có thể dễ dàng thực hiện được.
 Sự cạnh tranh về lao động giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Lao động mới vào làm đều cần phải đào tạo lại, nhưng ý thức hợp tác làm việc lâu dài với doanh nghiệp của người lao động chưa cao, chỉ cần doanh nghiệp khác có mức lương nhỉnh hơn một chút là lực lượng lao động này có thể "nhảy" việc. Hiện nay lực lượng lao động trong ngành chế biến gỗ ra vào dao động lên đến 50%.
NGÀNH SƠN MÀI - ĐIÊU KHẮC
Trong năm 2010 tình hình sản xuất kinh doanh sơn mài điêu khắc có nhiều khả quan hơn năm 2009, các doanh nghiệp có được nhiều đơn hàng hơn. Tuy nhiên, từ giữa năm 2010 đến nay tình hình giá cả không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng cao (hầu hết vật tư để sản xuất đều phụ thuộc vào giá xăng dầu như các loại sơn, keo ... mà giá xăng dầu hiện nay đang tăng cao) nên các doanh nghiệp, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể giá vật tư đầu vào từ đầu năm 2010 đến nay đã tăng từ 25-30%, có vài loại tăng giá đến 40%: giá 1 cal sơn hạt điều 10kg đầu năm 2010 là 233.000 đồng thì hiện nay là 300.000 đồng (tăng 34%), giá 1kg keo Pu bóng đầu năm 2010 là 65.000 đồng thì hiện nay là 95.000 đồng (tăng 45%) ... nhiều doanh nghiệp sản xuất không có lãi hoặc lỗ do đã ký hợp đồng với khách hàng trước đó. Thêm vào đó tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và các nước Ả rập gần đây có chiến tranh nên từ đầu năm 2011 đến nay lượng khách đặt hàng ít đi so với cuối năm 2010, còn hàng nội địa vì không phải mùa du lịch nên cũng không thể bán hàng được. 
Tình hình lao động cũng gặp không ít khó khăn do nguồn thợ địa phương giỏi bớt dần, họ đi tìm những nghề khác lương cao hơn, một số thợ lớn tuổi đã nghỉ việc. Hiện nay để có nguồn thợ ổn định, các doanh nghiệp đã phải tăng lương cho phù hợp với giá cả hiện tại, tuyển thợ học nghề từ các địa phương khác đến, tuy nhiên nghề sơn mài điêu khắc là nghề đặc thù nên để có một thợ tay nghề giỏi, tạo ra được sản phẩm đẹp và có chất lượng cao thì rất khó. Do đó, có những đơn hàng mà doanh nghiệp không dám nhận vì không đủ thợ có tay nghề khá, giỏi. Hơn nữa, sản phẩm sơn mài điêu khắc hiện nay chưa được đánh giá đúng giá trị, do đó sản phẩm bán ra với giá rất thấp, không đủ để bù vào giá nguyên vật liệu và trả lương cho người thợ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sơn mài điêu khắc đều nhỏ hoặc siêu nhỏ, phần lớn là hộ gia đình nên họ chưa có kế hoạch sản xuất hiệu quả, việc quảng bá sản phẩm cũng còn nhiều hạn chế do thiếu vốn và chưa có nhận thức cao trong việc giữ gìn uy tín cho ngành nghề ... 
Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ vận động các hội viên cố gắng khắc phục lại cách sản xuất sao cho hiệu quả như: Quản lý sản xuất chặt chẽ không lãng phí vật tư, tiết kiệm điện, giảm các chi phí không cần thiết, tăng cường giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên website của Hiệp hội ... Tạo sự gắn kết, hợp tác với các khu du lịch để tạo thành một tour chở các khách du lịch đi tham quan các cơ sở sản xuất và nơi trưng bày sản phẩm nghề truyền thống sơn mài điêu khắc, đây cũng có thể được xem là một hướng để quảng bá, thu hút thêm nhiều khách hàng cho các cơ sở thành viên trong hiệp hội. Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan tìm ra những biện pháp để phát triển ngành sơn mài điêu khắc của tỉnh nhà.
KIẾN NGHỊ
- Về lãi suất: Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức lãi suất vay phải tương đương so với các nước trong khu vực. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là các ngành sản xuất có hàm lượng lao động kỹ thuật cao, giá trị gia tăng lớn mới có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề có vốn đầu tư nước ngoài và trên thị trường thế giới.
- Hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đến các doanh nghiệp, cơ sở khi có các hợp đồng, đơn đặt hàng hoặc có kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm như tham gia các hội chợ có uy tín và tiềm năng, quảng cáo trên internet, website ... để họ có thể mua vật tư dự trữ cho sản xuất phòng khi vật giá lên cao theo thời gian vì thường một đơn hàng nhanh nhất là 2 tháng, cho vay ưu đãi dài hạn trả góp dần để các doanh nghiệp có điều kiện cải tiến và mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư cho mẫu mã mới lạ, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.
- Có những chương trình xúc tiến thương mại cũng như khuyến công phù hợp để giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sơn mài điêu khắc vượt qua những khó khăn như: tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ có uy tín, tiềm năng, có nhiều khách hàng đến tìm hiểu, mua sắm và đặt hàng. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh anghiệp lên phương tiện internet, thương mại điện tử. Tìm những chuyên gia hoặc người đã có kinh nghiệm tổ chức các lớp học nhằm hệ thống lại khâu sản xuất, cải tiến phương pháp làm việc sao cho hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian sản xuất nhưng vẫn giữ được chất lượng tốt.
- Bình ổn giá cả thị trường, hạn chế việc cúp điện để tạo thuận lợi cho việc sản xuất, doanh nghiệp giảm được chi phí từ việc mua xăng, dầu chạy máy phát điện.
- Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể và lâu dài, mang tính chất thường xuyên và quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người lao động để nghề truyền thống không bị mai một đi. Hình thành làng nghề truyền thống, tổ chức xây dựng nơi để trưng bày sản phẩm, xây dựng thương hiệu góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống để sản phẩm truyền thống sơn mài điêu khắc trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Dương.


Lượt xem: 634

Thống kê truy cập

Đang truy cập:405

Tổng truy cập: 17944913