Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm

2020-10-02 15:05:00.0

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển của địa phương; ngày 23/9/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Trong thời gian qua, các vùng kinh tế trọng điểm đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2019 bình quân hàng năm cả 4 vùng kinh tế trọng điểm đã đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù vậy, các vùng kinh tế trọng điểm đang đối mặt nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm ... trên cơ sở đánh giá tình hình cụ thể tại địa phương, các ngành, các cấp của tỉnh cần “Quyết tâm cao, nổ lực lớn, hành động quyết liệt”, không chùng bước vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển của địa phương, của vùng và vì sự phát triển chung của đất nước.

Theo đó, nội dung Kế hoạch cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch: Khẩn trương lập và trình phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành của pháp luật về quy hoạch. Rà soát, đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy cao, sử dụng đất có hiệu quả, có khả năng thu hút đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Hai là, Huy động nguồn lực đầu tư phát triển: Huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng. Xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư có giá trị gia tăng và sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có suất đầu tư cao, hệ số sử dụng đất thấp, các dự án có khả năng đóng góp ngân sách nhà nước lớn.

Ba là, Đào tạo và sử dụng lao động: có cơ chế sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, đúng ngành nghề đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động của Vùng. Rà soát, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp bố trí đủ cho các dự án quan trọng, quy mô lớn, nhất là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bốn là, Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vùng: Khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết Vùng.

Năm là, Cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm: phát huy vai trò động lực, kết nối vùng kinh tế trọng điểm, kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Sáu là, Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực: trên cơ sở xác định rõ chiến lược phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, có giải pháp cụ thể, kế hoạch hành động chi tiết phát triển các ngành, lĩnh vực trên cơ sở tỉnh đã xác định được có lợi thế, tiềm năng phát triển để ưu tiên thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Theo đó, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất hơn trong tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, là thế mạnh của địa phương và trọng tâm phát triển của Vùng.

Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ nước ngoài. Thu hút đầu tư hiệu quả vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Đây là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 4679/UBND-KT ngày 23/9/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ./.


Kim Bình – Văn phòng Sở

Lượt xem: 1246

Thống kê truy cập

Đang truy cập:394

Tổng truy cập: 17950790