Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thương hiệu Việt: Liên tục cải thiện thứ hạng

2020-10-26 09:37:00.0

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xây dựng và phát triển thương hiệu đã và đang được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt tại thị trường trong và ngoài nước.

Giá trị thương hiệu tăng cao

Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các DN Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của các thương hiệu hàng đầu đạt gần 10 tỷ USD, trong đó phần lớn là các DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia (THQG), như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…

Theo thông tin từ Tổ chức Brand Finance, trong bảng xếp hạng 100 THQG giá trị nhất thế giới năm 2019, THQG Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của THQG Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có đóng góp đáng kể của Chương trình THQG Việt Nam.

1537-ynh

Vinamilk là doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia

Chương trình THQG đã và đang khẳng định vai trò của mình trong việc hỗ trợ DN xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín nâng cao sức cạnh tranh cho các DN Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân do, cơ chế, chính sách về thương hiệu nói chung và Chương trình THQG nói riêng còn thiếu và yếu. Việc phối hợp triển khai Chương trình giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Kinh phí dành cho hoạt động này còn nhỏ so với nhu cầu. Nhận thức của DN, tổ chức và địa phương về công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu chưa được chú trọng thích đáng…

Riêng trong lĩnh vực nông sản, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, toàn quốc hiện có trên 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, nhưng chỉ có 70 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 160 nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ một số ít được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, như: Nước mắm Phú Quốc; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; cà phê Buôn Mê Thuột; thanh long Bình Thuận…. Một số nhãn hiệu đặc sản Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài, phải mất nhiều thời gian và chi phí mới lấy lại được quyền đăng ký bảo hộ.

Nỗ lực nâng cao hình ảnh thương hiệu Việt

Theo Bộ Công Thương, thương hiệu là yếu tố quan trọng, góp phần gia tăng giá trị và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các bộ, ban, ngành, tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 và Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam. Cuối năm 2019, Bộ Công Thương cũng ban hành Quyết định số 3816/QĐ-BCT phê duyệt Đề án phát triển Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với thương hiệu nông sản, Bộ Công Thương đã tập trung quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu (XK) trọng điểm. Hình ảnh Thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) đã được sử dụng và quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như: Vietnam Foodexpo (Việt Nam), Gulfood (Dubai), Bio Fach (Đức)…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định,việc ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg và Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn liên quan đến cơ chế hỗ trợ các DN có sản phẩm đạt THQG tại thị trường trong nước.

Đối với các hoạt động quảng bá tại thị trường nước ngoài, do dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với điều kiện mới. Cụ thể, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và xây dựng các sản phẩm truyền thông, nhằm tăng cường nhận biết đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, sự kiện ngoại giao ở nước ngoài.

Đồng thời, thực hiện các hoạt động tư vấn gián tiếp và trực tuyến, hỗ trợ DN nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng được hệ thống tiêu chí của Chương trình THQG; phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm XK có lợi thế cạnh tranh.

Giai đoạn 2020-2025, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam tại các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương… xây dựng cơ chế, chính sách, các hoạt động hỗ trợ DN trong xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản.

Nguồn: https://congthuong.vn/

Lượt xem: 213

Thống kê truy cập

Đang truy cập:18103

Tổng truy cập: 18231338