Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thương hiệu quốc gia: Dấu ấn quyền lực mềm của Việt Nam

2021-03-04 10:19:00.0

Chỉ số quyền lực mềm của Việt Nam tăng 3 bậc, một lần nữa khẳng định tính hiệu quả cùng nỗ lực lớn của Bộ Công Thương trong suốt hành trình thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 do Brand Finance thực hiện, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG) và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ DN xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của DN Việt Nam.

THQG của Việt Nam được nhận diện ngày một rõ nét nhờ những nỗ lực của Bộ Công Thương trong triển khai Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ gắn với 3 giá trị: “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.

Sau hơn 17 năm triển khai, thông qua nhiều hoạt động, Bộ Công Thương đã hiện thực hóa một các hiệu quả chương trình. Theo đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực thông qua tư vấn phát triển DN, thiết lập hệ thống thông tin, cập nhật kiến thức xây dựng thương hiệu. Tập trung xây dựng và quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường và tính chuyên nghiệp.

1254-4550-vinatex-1

Thương hiệu quốc gia là điểm sáng giúp tăng chỉ số quyền lực mềm của Việt Nam

Tất cả những nỗ lực đó đã được đo đếm một phần qua con số 124 DN với 283 sản phẩm đạt THQG năm 2020. Quan trọng hơn, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), DN đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, từ đó từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Viettel - Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP Sữa TH, DN đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc…

Đáng lưu ý, Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu được đưa ra hơn 1.000 sản phẩm trở thành THQG được kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa giá trị và xếp hạng THQG. Cũng đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế quyền lực mềm của Việt Nam trên thế giới.

Ngoài ra, để xây dựng và phát huy quyền lực mềm của Việt Nam trong thời gian tới, ông Vũ Bá Phú cho rằng: Việt Nam cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ mới, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo; từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị đa dạng và phong phú của văn hóa Việt. Chú trọng, đẩy mạnh công tác ngoại giao, khẳng định vai trò “nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải” trong các vấn đề then chốt của khu vực và quốc tế. Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển khoa học và công nghệ.

Bên cạnh việc xây dựng, phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam cũng cần tăng cường, hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đó chính là sức mạnh thông minh trong thời đại mới, để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước.

Chỉ số quyền lực mềm của Việt Nam đã được Brand Finance đánh giá thăng hạng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về THQG và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua.

https://congthuong.vn/

Lượt xem: 6530

Thống kê truy cập

Đang truy cập:331

Tổng truy cập: 17922249