Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thương hiệu giày dép Việt: Chinh phục thị trường trong nước

2021-04-22 09:26:00.0

Có chiến lược marketing bài bản, đặc biệt là chú trọng vào chất lượng sản phẩm, một số thương hiệu giày dép trong nước đang dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Dần có chỗ đứng

Sản phẩm từ da của Giovanni Group với thương hiệu Giovanni được định vị ở phân khúc cao cấp. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, Giovanni đã chọn sử dụng thiết kế mẫu mã phù hợp với xu hướng thị trường, sử dụng nguyên phụ liệu cao cấp từ châu Âu, tuân thủ quy trình sản xuất và kiểm định chất lượng nghiêm ngặt. Đến nay, dù sản phẩm mang thương hiệu Giovanni có giá trị không nhỏ nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận.

Bởi vậy từ đầu năm tới nay, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự khởi sắc, chỉ số kinh doanh bán lẻ của Giovanni vẫn được cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Giovanni Group, Giovanni có hệ thống phân phối tại hơn 30 điểm bán lẻ trên toàn quốc cộng với những kênh phân phối trực tuyến phát triển ngày một mạnh.

Một số thương hiệu giày dép Việt đã chinh phục được người tiêu dùng
Một số thương hiệu giày dép Việt đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận

Thực tế, thị trường nội địa với dung lượng khảng 150 triệu đôi/năm đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất giày dép và sản phẩm từ da. Đặc biệt, dịch covid-19 tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu thì thị trường trong nước trở thành chỗ dựa vững chắc, đảm bảo doanh thu cho một số DN.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cũng cho biết: DN trong nước đã chú trọng hơn đến xây dựng thương hiệu sản phẩm và hiểu được giá trị của thương hiệu. Bên cạnh Giovanni, một số thương hiệu giày dép đã và đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: VINA Giày, T&T, Biti’s, Bita’s, Asia Shoes, giày Hồng Thạnh…

Đầu tư vào giá trị cốt lõi của thương hiệu

Tuy vậy, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho biết: Số DN quan tâm đầu tư bài bản, xây dựng cũng như định vị thương hiệu tại thị trường nội địa như Giovanni chưa nhiều. Vẫn còn DN chỉ quan tâm ở bề nổi của thương hiệu đó là tìm ra một cái tên hay mà chất lượng sản phẩm và truyền thông chất lượng đó đến người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức.

Đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam lý giải, việc xây dựng thương hiệu cần có chiến lược bài bản, như: Đăng ký và bảo hộ thương hiệu, có chiến lược marketing. Đặc biệt, tài chính để thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu không nhỏ và không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để thực hiện.

Cùng với đó là chất lượng sản phẩm. Khi đưa sản phẩm ra thị trường, DN cần thiết phải công bố được tiêu chuẩn cho dù đó là những tiêu chuẩn rất cơ bản, như: Độ bền màu, độ chịu mài mòn… “Nhiều DN đang hoàn toàn thiếu điều đó, trong khi đây mới là yếu tố tạo nên giá trị thương hiệu, phát triển bền vững và thể hiện ý thức bảo vệ người tiêu dùng của DN”, bà Xuân nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Phi chia sẻ: Sáng tạo và chất lượng là 2 yếu tố cốt lõi của thương hiệu và song hành cùng nhau. Tiếp đó là phát triển bền vững - yếu tố này rất quan trọng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Thực tế các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm trong hệ thống quản lý chất lượng đều có nhưng rất ít người tiêu dùng biết đến và không phải DN nào cũng chú trọng các tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa sản phẩm ra thị trường. “Xây dựng thương hiệu không chỉ là tạo ra 1 tên thương hiệu hay mà cốt lõi là giá trị về chất lượng sản phẩm mới có thể giữ được niềm tin lâu bền với người tiêu dùng. Và việc xây dựng thương hiệu là một chặng đường dài, liên tục ngay cả khi thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường”, bà Xuân nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm thực tế của DN, ông Nguyễn Trọng Phi cũng cho rằng: Muốn xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa, DN cần tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, xây dựng thương hiệu xanh. “Nếu muốn đi ra biển lớn, trước hết hãy là một thương hiệu có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và nền kinh tế”, ông Phi nói.

Được biết, để hỗ trợ cho DN ngành da giày xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành da giày. Trong đó có các chính sách hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị ngành da giày trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hình thành và phát huy hiệu quả của trung tâm hỗ trợ kỹ thuật.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam: Thị trường nội địa với xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh, DN cần làm mới sản phẩm, không nhất thiết phải phát triển những bộ sưu tập quá cồng kềnh vừa tốn kém vừa không tạo sự kích thích với người tiêu dùng.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 4290

Thống kê truy cập

Đang truy cập:353

Tổng truy cập: 18343009