Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thủ tướng Chỉ thị đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử

2023-06-02 15:37:00.0

Thủ tướng Chỉ thị đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử

Trong những năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT). Dự báo trong giai đoạn 2023 – 2025, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử khoảng 20 – 25%/năm. Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ thương mại điện tử, tăng 26% so với cùng kỳ. Đến năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.

Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho rằng, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi thương mại điện tử chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, quản lý thuế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành.... góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường TMĐT phát triển nhanh chóng và bùng nổ, đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý thuế, bảo đảm nguyên tắc công bằng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn,... thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số và đặc biệt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý đầy đủ các chủ thể tham gia, kiểm soát các giao dịch thanh toán, xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế. Việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, cùng phát triển và phát huy những giá trị to lớn mà lĩnh vực TMĐT mang lại cho từng cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước.

Với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm, thương mại điện từ Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới

 

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, ngày 30/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị. Bên cạnh các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; một số nhiệm vụ đối với ngành Công Thương đã được Thủ tướng giao cùng với thời gian hoàn thành. Đó là,

          Thứ Nhất. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước đối với TMĐT, trong đó tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin theo quy định quản lý nhà nước về TMĐT đối với các chủ thể của hoạt động TMĐT.

Thứ Hai. Xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT phục vụ công tác quản lý thuế, hải quan và các công tác quản lý nhà nước khác theo yêu cầu của Chính phủ. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2025.

Thứ Ba. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các hình thức tổ chức hoạt động TMĐT trong nước; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện hành. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III năm 2023.

Thứ Tư. Phối hợp trao đổi thông tin với Bộ Tài chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp để xử lý vi phạm về hoạt động TMĐT theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động TMĐT không kê khai, nộp thuế. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Thứ Năm. Chủ trì triển khai việc tích hợp tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực chủ thể của hoạt động TMĐT tham gia giao kết hợp đồng trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam; quản trị, vận hành, bảo đảm ổn định Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Thứ Sáu. Có giải pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Theo Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, thương mại điện tử cũng được định hướng là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi công nghệ tiên tiến của nền cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Do đó, ngành Công Thương Bình Dương cũng đã và đang tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp để thực hiện quản lý và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh./.

 


Kim Bình – Thanh tra Sở

Lượt xem: 2881

Thống kê truy cập

Đang truy cập:346

Tổng truy cập: 17931131