Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thông báo - Xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020

2019-05-30 15:08:00.0

Sở Công Thương Bình Dương đề nghị UBND các huyện , thị xã, thành phố triển khai rà soát nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, lập hồ sơ đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2020.

Để tổng hợp, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương năm 2020, Sở Công thương - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp kính đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có liên quan tiến hành xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020 theo các nội dung chủ yếu như sau:

  1.  Đối tượng được hỗ trợ từ chính sách khuyến công

          1) Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường trên địa bàn tỉnh (gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT)) bao gồm:

          - Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Điều 6, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng);

          - Hợp tác xã thành lập hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

          - Tổ hợp tác thành lập và hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác;

          - Hộ kinh doanh theo quy định Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính Phủ về đăng kí doanh nghiệp.

           2) Các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn (không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn sản xuất).

        II. Ngành nghề được hỗ trợ từ chính sách khuyến công

          Tổ chức, cá nhân trên đầu tư sản xuất vào các ngành, nghề sau đây được hưởng các chính sách khuyến công như sau:

          - Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm.

          - Sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu.

          - Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới (không hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng gây ô nhiễm môi trường; tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới (vật liệu không nung), không ô nhiễm môi trường, sử dụng nguyên liệu tái tạo.

          - Sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học. Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ.

          - Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.

          - Khai thác, chế biến khoáng sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của tỉnh.

          - Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

       III. Định hướng nội dung và mức hỗ trợ:

          1. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới, bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn. Các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là các đề án phải đầu tư mới cần phổ biến nhân rộng; đã, đang đầu tư và kết thúc đầu tư đi vào sản xuất năm 2020 để phục vụ trình diễn (Mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình).

          Mức hỗ trợ đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức cá nhân khác học tập (hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/mô hình).

          2. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ tiên tiến khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở).

          Máy móc hỗ trợ ứng dụng là máy móc thiết bị đơn chiếc hoặc cụm thiết bị hoặc nhóm thiết bị cùng loại ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường của cơ sở công nghiệp nông thôn; máy móc thiết bị tiên tiến được hỗ trợ ứng dụng phải là máy móc thiết bị mới; nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng.

          3. Hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ triễn lãm trong nước (hỗ trợ 80% giá thuê diện tích gian hàng); hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với sản phẩm CNNT (hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/thương hiệu); Hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực: Lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới (hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/cơ sở).

          4. Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công nghiệp (mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở); tại các cụm công nghiệp (mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1.500 triệu đồng/cụm công nghiệp).

          5. Hỗ trợ hình thành cụm liên kết doanh nghiệp (mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/cụm liên kết); Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp (mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp); Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (mức hỗ trợ không quá 3.000 triệu đồng/cụm công nghiệp).

          6. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước. (Các cơ sở CNNT, tổ chức, đơn vị có nhu cầu đăng ký cần nêu rõ từng nội dung triển khai có liên quan để Trung tâm tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.)

          IV. Các đơn vị có nhu cầu đề nghị hỗ trợ gửi hồ sơ về Trung tâm, bao gồm:

          1. Đơn đề nghị hỗ trợ (trong đó cam kết chưa nhận được hỗ trợ từ nguồn nào của ngân sách nhà nước cho nội dung xin hỗ trợ và đồng ý tham gia đề án, cam kết đủ vốn đối ứng để thực hiện đề án).

          2. Giấy phép đăng ký kinh doanh.

          3. Bảng cân đối kế toán tại thời điểm gần nhất.

          4. Bảng tổng hợp lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm.

          Riêng đối với từng loại đề án thì hồ sơ kèm theo theo Phụ lục 1.

          Trung tâm kính đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát lại nhu cầu hỗ trợ từ chính sách khuyến công trên địa bàn và xem xét, tổng hợp lập kế hoạch (Phụ lục 2) gửi về Trung tâm trước ngày 15/6/2019 để Trung tâm hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp kinh phí hoặc đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia thực hiện trong năm 2020.

          Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương

Địa chỉ: Số 3, Đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Điện thoại: 0274.3814163 (Gặp: Thúy Hằng, Anh Tuấn)./.

File đính kèm: - Phụ lục 1 _ Danh mục hồ sơ / đề án

                         - Phụ lục 2 _ Biểu mẫu tổng hợp kế hoạch Khuyến công năm 2020


Lượt xem: 24254

Thống kê truy cập

Đang truy cập:246

Tổng truy cập: 18297257