Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tăng tốc đáp ứng đơn hàng xuất khẩu- Kỳ 1

2020-11-18 15:10:00.0

Đơn hàng xuất khẩu một số ngành chủ lực như gỗ, dệt may, giày dép, điện tử đang phục hồi rõ hơn, tạo kỳ vọng chặn bớt sự sụt giảm xuất khẩu của cả năm 2020. Các doanh nghiệp (DN) đang rất nỗ lực, tìm mọi cách để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Kỳ 1: Vào mùa sản xuất

Đơn hàng xuất khẩu một số ngành chủ lực như gỗ, dệt may, giày dép, điện tử đang phục hồi rõ hơn, tạo kỳ vọng chặn bớt sự sụt giảm xuất khẩu của cả năm 2020. Các doanh nghiệp (DN) đang rất nỗ lực, tìm mọi cách để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Tăng tốc sản xuất

Theo đánh giá của ngành công thương, sau khi chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào bị gián đoạn, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, từ sau quý II-2020, các DN đã có sự phục hồi khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước tăng 8,5%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 7,6%, thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ. Các DN sản xuất, xuất khẩu của tỉnh đã có sự phục hồi tốt và đang vào mùa sản xuất cao điểm.

Sản xuất “vào mùa” tại Công ty Gốm sứ Cường Phát

Xuất khẩu gỗ là một trong những ngành sớm tìm ra các giải pháp bứt phá, chủ động tìm kiếm đơn hàng để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan cũng tạo ra không ít cơ hội cho lĩnh vực này. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết sở dĩ các DN gỗ đạt được thành tích xuất khẩu tốt trong tình hình khó khăn là nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhiều khách hàng trước đây thu mua đồ gỗ từ Trung Quốc đã chuyển đơn hàng sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế cao. Kế đến là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất tại nhiều nước nhưng nhờ Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh nên sản xuất ít bị ảnh hưởng. Nhiều DN gỗ cho hay đến thời điểm này họ đã đủ hợp đồng cho cả năm, thậm chí có đơn hàng cho cả năm 2021. Có DN do năng lực sản suất có hạn nên không ký thêm hợp đồng vì lo ngại không giao hàng đúng tiến độ. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An), cho biết năm nay công ty vẫn xuất khẩu ổn định tương đương năm ngoái, với kim ngạch hơn 30 triệu đô la Mỹ, chủ yếu xuất đi các thị trường châu Âu và Mỹ.

Từ giữa tháng 9, tín hiệu vui lan tỏa khắp khi gần như tất cả các DN trong ngành dệt may, da giày, gốm sứ bắt đầu nhận những đơn hàng mới từ đối tác châu Âu, Mỹ, Nhật… Theo chia sẻ của nhiều DN, tình hình đơn hàng đã phục hồi khoảng 60 - 70%. Kiểm chứng những thông tin đó, chúng tôi trở lại Công ty Gốm sứ Cường Phát (TP.Thuận An) những ngày cuối năm, tất cả các xưởng sản xuất đã “vào nhịp” trở lại. Ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương không giấu niềm vui khi chia sẻ: “Tình hình cuối năm ngành gốm sứ rất khả quan, đơn hàng rất nhiều. Các DN đều tổ chức sản xuất, tăng ca. Tất nhiên cùng với đó thì yêu cầu của khách hàng cũng ngày một cao hơn và ngành gốm sứ đang nỗ lực vì sự phát triển bền vững của ngành nghề truyền thống này…”.

Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, tình hình sáng sủa hơn rất nhiều sau dịch bệnh. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vinamit, cho biết các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của Vinamit vẫn đều đặn theo kế hoạch từ 6 tháng trước. Từ tháng 6 đến nay, Vinamit đã xuất khẩu một số lô hàng trái cây organic gồm bưởi, mít… sang châu Âu theo đường hàng không.

Một số DN FDI, dù trong tình hình dịch bệnh song số đơn hàng những tháng cuối năm cũng tăng. Ông Lim Chiew Seng, Giám đốc Công ty White Feathers International (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2), cho hay đến nay công ty đã khắc phục được tương đối tốt những tác động của dịch bệnh gây ra và tăng tốc sản xuất vì đơn hàng đã dồi dào hơn. Dự kiến, năm 2020 doanh số của công ty sẽ tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019. “Chúng tôi chỉ nhận những khách hàng quen lâu năm, từ chối bớt những khách hàng mới vì chưa thể bố trí được nhà xưởng, công nhân… Quan trọng nhất là vẫn phải giữ chân khách hàng cũ bằng uy tín và chất lượng”, ông Lim Chiew Seng nói.

Vẫn chưa hết lo

Theo đánh giá các DN, đơn hàng quay trở lại là một tín hiệu đáng mừng song hiện nay, các nhà nhập khẩu còn thận trọng do sức mua của thị trường còn thiếu ổn định nên chưa có các đơn hàng dài hạn. Thêm vào đó các đơn hàng cao cấp dường như “vắng bóng”, các đối tác chủ yếu nhập hàng phân khúc trung bình nên lợi nhuận của DN sẽ không cao. Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho hay: “Chúng tôi không có quá nhiều sự lựa chọn. Điều tiên quyết lúc này là phải nỗ lực có đơn hàng để duy trì sản xuất sau dịch bệnh và các tháng đầu năm 2021”.

Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn lớn nhất, điều mà các DN lo lắng nhất lúc này là tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Bởi sau dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động đã về quê nhưng không quay lại làm việc, trong khi đơn hàng ngày càng tăng. Thời gian qua, nhiều DN gỗ đã tăng cường tuyển lao động nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều DN đã phải từ chối bớt đơn hàng do thiếu lao động cũng như năng lực sản xuất chưa thể đáp ứng.

Bên cạnh đó còn có “nỗi lòng” khó giãi bày là vẫn có nhiều đối tác đã xin giãn hoặc chậm thanh toán đơn hàng từ 3 - 6 tháng, thậm chí một vài đối tác lùi lịch thanh toán sau 9 tháng... Trong khi trước đây, từ lúc giao hàng đến khi nguồn tiền trở về chỉ mất 60 ngày. Dẫu rất hiểu những khó khăn của khách hàng trong mùa Covid-19, song điều này cũng làm cho các DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn để quay vòng sản xuất. “Việc khách hàng chậm thanh toán gây rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh đã khiến năng lực tài chính của DN bị ảnh hưởng rất lớn, chúng tôi rất trông chờ nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng…”, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da tỉnh chia sẻ. (Còn tiếp)


Nguồn: http://baobinhduong.vn/

Lượt xem: 1133

Thống kê truy cập

Đang truy cập:378

Tổng truy cập: 17935253