Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực

2013-01-04 10:32:00.0

Luật Điện lực năm 2004 đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực và sử dụng điện, góp phần khẳng định vai trò của điện lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Luật Điện lực năm 2004 đã tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực và sử dụng điện, góp phần khẳng định vai trò của điện lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua hơn 6 năm thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhiều nội dung cần phải sửa đổi vì không còn phù hợp với các mục tiêu phát triển, phương thức quản lý điều hành của ngành điện lực; chưa khuyến khích, thu hút được đủ vốn đầu tư cho phát triển điện lực; chưa thúc đẩy việc cạnh tranh theo hướng hiệu quả. Luật số 24/2012/QH 13 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện lực đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 nhằm khắc phục những bất cập trên, đảm bảo phù hợp hơn với thực tế.

Luật này sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy hoạch phát triển điện lực. Cụ thể, Luật này quy định quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy hoạch phát triển điện lực được lập, phê duyệt để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch phát triển điện lực phải hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện gồm cả nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và có tính đến quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập cho từng giai đoạn mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo thay vì lập cho giai đoạn năm (5) năm như quy định cũ. Luật này cũng bổ sung quy định riêng về các nội dung phải có trong quy hoạch phát triển điện lực, chẳng hạn như nội dung đối với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia bao gồm tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống năng lượng quốc gia trong giai đoạn quy hoạch; Dự báo nhu cầu điện; Đánh giá các nguồn năng lượng sơ cấp, khả năng khai thác, khả năng xuất nhập khẩu năng lượng; đánh giá khả năng trao đổi điện giữa các vùng, miền; dự báo giá nhiên liệu cho sản xuất điện, v.v…

Luật này cũng sửa đổi, bổ sung nội dung quan trọng khác về giá điện để đảm bảo chính sách giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, phù hợp với thực tế. Cụ thể, Luật quy định giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực, trừ trường hợp đối với giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, trừ trường hợp đối với giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực. Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chính sách điện lực, giấy phép hoạt động điện lực.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện lực có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.


Lượt xem: 220

Thống kê truy cập

Đang truy cập:371

Tổng truy cập: 18345794