Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Sớm đưa đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành vào cuộc sống

2021-03-01 08:06:00.0

(TBTCO) - Kế hoạch triển khai mô hình mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu được Bộ Tài chính ban hành thực sự chi tiết, toàn diện, đồng bộ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, thời gian thực hiện ngắn sẽ góp phần sớm đưa đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ đi vào cuộc sống.

Kiểm tra chuyên ngành

Trạm Kiểm dịch động vật Nội Bài đặt sẵn máy tính kết nối mạng để hướng dẫn doanh nghiệp nhập hồ sơ hải quan một cửa quốc gia. Ảnh: Khánh Linh

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã cho biết như vậy khi trao đổi với PV TBTCO về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2023 (QĐ 38).

* PV: Thưa ông, Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện QĐ 38. Ông đánh giá như thế nào về kế hoạch này?

- Ông Đinh Trọng Thịnh: Kế hoạch triển khai QĐ 38 của Bộ Tài chính vừa ban hành khá cụ thể, tỉ mỉ, đã bao quát được những công việc cần thiết để có thể áp dụng NĐ 38 về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan cũng như trong toàn Bộ Tài chính.

Ưu điểm trong kế hoạch này đó là tính toàn diện của kế hoạch, từ khâu chuẩn bị nghị định đến các khâu thực thi, chuyển hóa hệ thống thông tin cho đến xây dựng các yêu cầu về chuyển đổi hoạt động của cơ quan hải quan. Từ đó, có thể kết hợp giữa hình thức đang làm và hình thức kiểm tra an toàn thực phẩm mà NĐ 38 đã quy định, cũng như quy chế phối kết hợp giữa cơ quan ban ngành và cơ quan hải quan. Tôi cho rằng kế hoạch tương đối đồng bộ và đầy đủ.

Ở kế hoạch này, một số nhiệm vụ chủ yếu đã được quy định rõ ràng, đặc biệt là thời hạn để thực hiện các nhiệm vụ cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết. Ngoài ra, điểm nổi bật trong kế hoạch này là đã cơ bản phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các bộ phận liên quan trong ngành Tài chính và các cục vụ liên quan của Tổng cục Hải quan trong việc tham gia hình thành và thực thi các công việc để đảm bảo thực thi đúng tinh thần NĐ 38 theo yêu cầu sớm nhất đã đề ra. Các bước thời gian để xây dựng nghị định nêu trong kế hoạch tương đối ngắn cho nên cũng đảm bảo tính nhanh nhạy kịp thời để thực hiện NĐ 38.

Hơn nữa, kế hoạch đã phân công rõ ràng nhiệm vụ, tạo điều kiện để các bộ phận có thể phối kết hợp với nhau thực thi tốt nhất những nội dung kế hoạch đặt ra.

Ông Đinh Trọng Thịnh

Ông Đinh Trọng Thịnh

*PV: Ông đánh giá như thế nào về thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ sẽ được triển khai trong kế hoạch?

- Ông Đinh Trọng Thịnh: Thứ nhất, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là xây dựng dự thảo nghị định để thực thi kế hoạch này. Tôi nghĩ chúng ta phải làm riết róng, khẩn trương, kịp thời thì mới có thể đảm bảo được tiến độ cũng như thời hạn để đưa đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành đi vào nề nếp trên cơ sở sớm xây dựng dự thảo nghị định thì mới có thể sớm triển khai các bước khác. Bước xây dựng dự thảo nghị định cũng cần làm cẩn trọng, tỷ mỷ, thì sau này các đối tượng dễ “hấp thụ”, dễ triển khai, thực thi; và khi đã quy định cụ thể, tỉ mỉ thì đỡ mất công sức thời gian giải thích, điều chỉnh. Điều này rất quan trọng.

Thứ hai, một trong những việc quan trọng khi triển khai kế hoạch là củng cố hoàn thiện hệ thống thông tin. Nếu không phân loại, xác định được đối tác đủ độ an toàn, có lịch sử có trách nhiệm thì rõ ràng công việc sẽ không thể tiến triển nhanh và đem lại kết quả tốt. Ở đây phải khẳng định rõ, công nghệ thông tin phải đi trước và trở thành phương tiện, xem như một cái gậy để cơ quan quản lý dựa vào đó thực thi các chiến lược về kiểm tra chất lượng.

Theo QĐ 38, công tác kiểm tra chuyên ngành sẽ cải cách theo hướng không kiểm tra theo lô hàng mà kiểm tra theo mặt hàng, vì vậy nếu như không có số liệu lưu trữ qua các thời kỳ thì sẽ tạo ra kẽ hở, lỗ hổng, gây nguy hiểm. Không những vậy, nếu như công nghệ thông tin không tốt, thì kết nối giữa các bộ, ban, ngành với Tổng cục Hải quan không tốt, chúng ta không nắm rõ được từng loại hàng hóa có những loại rủi ro thông thường gì và những cảnh báo kịp thời của cơ quan chuyên ngành, để Tổng cục Hải quan tập trung lực lượng kiểm tra thì sẽ dễ để lọt những sản phẩm không đạt yêu cầu. Vì vậy, khâu hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin cũng có ý nghĩa quan trọng.

Thứ ba là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan (các bộ, ngành quản lý chuyên ngành). Nếu phối hợp tốt, gắn kết thường xuyên, hàng ngày thì thông tin từ các cơ quan quản lý chuyên ngành đến cơ quan hải quan sẽ thông suốt và đó sẽ là trợ lực giúp cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành đảm bảo hiệu quả cao và không để lọt các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng vào thị trường nội địa. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đầy đủ giữa các cơ quan chuyên ngành với cơ quan hải quan khi xử lý các mặt hàng này.

*PV: Theo ông, áp dụng mô hình mới kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp được lợi gì?

- Ông Đinh Trọng Thịnh:  Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2023 là một trong những bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành.

Trước hết, các cơ quan chuyên ngành có nghiệp vụ sâu về quản lý hàng hóa nhưng không thể cử một bộ máy thường trực ở các cửa khẩu để tham gia quản lý, để thường xuyên theo dõi, sẽ rất lãng phí nhân lực bởi không phải lúc nào cũng có mặt hàng đó đi qua.

Vì vậy, đề án giao cơ quan hải quan là đầu mối duy nhất giám sát, điều phối và kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vừa phù hợp với thực tế, vừa giảm sự cồng kềnh, kém hiệu quả của tổ chức bộ máy.

Cơ quan hải quan lúc nào cũng trực ở các bến bãi, cửa khẩu thì đó là những người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc kiểm tra và chịu trách nhiệm cuối cùng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, cơ quan hải quan không thể nắm chắc chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn của hàng nghìn mặt hàng khác nhau. Vì vậy, cần phối kết hợp chặt chẽ và toàn diện với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Sự phối hợp này sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian đối với nhà nước.

Theo đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.

Cơ quan hải quan sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện kiểm tra hồ sơ, thực hiện kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường hoặc trưng cầu, giám định, thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc giám định được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định; thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm để thông quan.

Đối với doanh nghiệp, đề án có ý nghĩa lớn bởi giảm rất nhiều thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp. Theo mô hình mới, doanh nghiệp chỉ phải đăng ký kiểm tra chất lượng với cơ quan hải quan và thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đạt chất lượng. Doanh nghiệp không phải đi lại giữa cơ quan kiểm tra nhà nước và cơ quan hải quan, từ đó giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

*PV: Xin cảm ơn ông!


http://thoibaotaichinhvietnam.vn/

Lượt xem: 4764

Thống kê truy cập

Đang truy cập:451

Tổng truy cập: 17948923