Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản

2021-08-16 08:12:00.0

Từ tháng 5-2021 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến căng thẳng, phức tạp nên nhiều doanh nghiệp (DN) đã buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với số công nhân lao động làm việc chỉ đạt khoảng 30% so với thời điểm bình thường. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

 


Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Bình Dương giảm lao động và công suất

Khai thác giảm mạnh

Biểu hiện cụ thể nhất có thể nhìn thấy là sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico), một DN lớn và nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II-2021 của Bimico cho thấy, tổng mức doanh thu và lợi nhuận của DN này đã giảm tương ứng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Từ con số này nói lên những khó khăn chung mà các DN hoạt động trong lĩnh vực KTKS trên địa bàn Bình Dương thời gian qua. Đỉnh điểm là từ tháng 5-2021 đến nay khi tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến căng thẳng, các DN buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc chỉ cho hoạt động cầm chừng để phòng, chống dịch bệnh.

Ghi nhận từ tình hình thực tế tại Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận thời gian qua, cho thấy do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên các công trình xây dựng và hoạt động sản xuất cần các vật liệu là khoáng sản đang tạm thời đóng băng. Cụ thể, theo ước tính của ngành xây dựng, hoạt động tiếp nhận và xử lý các hồ sơ xin cấp phép xây dựng ở các địa phương phía Nam đang có xu hướng giảm so với năm 2020. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực KTKS buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì lượng khoáng sản thương phẩm bán ra đã giảm đáng kể. Trong khi đó, hệ thống kho, bãi chứa các loại khoáng sản lại đang có xu hướng ách tắc vì lượng hàng tồn quá nhiều.

Siết chặt hoạt động

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua sở đã tham mưu UBND tỉnh thông qua một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết về hoạt động KTKS trên địa bàn. Theo đó, tỉnh đã khoanh vùng và hạn chế KTKS đối với một số nhóm khoáng sản tại một số khu vực có nguy cơ gây tác động tiêu cực tới môi trường sống. Tiêu biểu là việc hạn chế, thu hẹp phạm vi khai thác những điểm khai thác cát dọc hai bên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và khu vực hồ Dầu Tiếng.

Thông qua hoạt động quan trắc môi trường bằng các phương pháp kỹ thuật, ngành tài nguyên và môi trường cũng xác lập bản đồ KTKS khoa học hơn trước. Theo đó, dựa trên những tính toán chuyên môn, đơn vị quan trắc kỹ thuật đã mô phỏng, dự đoán những nguy cơ tác động tiêu cực môi trường khi cấp phép hoạt động KTKS ở một số khu vực nhạy cảm. Đây là một trong những luận chứng khoa học xác đáng để tỉnh đưa ra bản đồ quy hoạch KTKS phù hợp theo hướng phát triển bền vững.

Việc khoanh vùng, hạn chế các khu vực KTKS trên địa bàn Bình Dương thời gian qua được đánh giá là một trong những hoạt động thiết thực và đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia. Theo đó, nghị định này nêu rõ việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia; quản lý, bảo vệ khoáng sản và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải bảo đảm các tiêu chí liên quan đến bảo vệ và gìn giữ môi trường sống; hạn chế tối đa tác động tiêu cực và những ảnh hưởng không tốt đối với môi trường của khu vực được khai thác và vùng lân cận.


http://m.baobinhduong.vn

Lượt xem: 5420

Thống kê truy cập

Đang truy cập:392

Tổng truy cập: 17946709