Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

PHỔ BIẾN CÁC QUY ĐỊNH VÀ THỰC THI CAM KẾT VỀ SPS TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VÀ CẬP NHẬT YÊU CẦU VỀ SPS TẠI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

2022-06-10 11:28:00.0

PHỔ BIẾN CÁC QUY ĐỊNH VÀ THỰC THI CAM KẾT VỀ SPS TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VÀ CẬP NHẬT YÊU CẦU VỀ SPS TẠI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Sáng ngày 7/6/2022, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc”. Tiến sĩ Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã trình bày những nội dung: Cam kết SPS trong RCEP, cập nhật thông báo dự thảo các biện pháp SPS; Một số thông tin cơ bản về nông sản nhập khẩu của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm điều, cà phê và trái cây; Các quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam; Thực hành nông nghiệp tốt thực trạng và giải pháp; Công nghệ sơ chế, bảo quản một số loại trái cây xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; Hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248) và những điều cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc (Lệnh 249).

 

Hình: Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký HH Điều Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – Tiến sĩ Ngô Xuân Nam cho biết, hiện nay, các nước đang thực hiện chính sách cắt giảm thuế cho nhau và vấn đề đặt ra là rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật trở thành rào cản lớn nhất cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới. Gần đây, thị trường Trung Quốc đã có những quy định ngày càng chặt chẽ hơn, không chỉ là vấn đề về kỹ thuật như bao bì, nhãn mác sản phẩm mà còn các vấn đề về kiểm tra dư lượng, sinh vật gây hại.

Trong 18 nhóm hàng thực phẩm Trung Quốc yêu cầu đăng ký theo Lệnh 248 thì thị phần đã có những thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đối với nhóm hoa quả truyền thống không cần phải đăng ký danh sách doanh nghiệp mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói, ghi tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói lên bao bì là đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Hiện Bộ NN&PTNT có Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối để hỗ trợ việc thực thi triển khai Lệnh 248 và 249.

Xác định tinh thần đưa chính sách đến gần với người dân, Văn phòng SPS Việt Nam chủ trương thực hiện 3 đột phá trong chuỗi sự kiện sắp tới.

Thứ nhất, về nội dung hướng dẫn, Văn phòng sẽ tăng cường thông tin về các vấn đề cụ thể, sát với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp, hạn chế những thông tin mang tính lý thuyết.

"Các thông tin đưa ra cần đi vào thực chất vấn đề. Trước mắt, đây là những tổng kết từ Văn phòng qua quá trình làm việc với doanh nghiệp nhiều năm qua. Những điểm nào mới, điểm nào doanh nghiệp còn bỡ ngõ, chúng tôi sẽ dành thời lượng lớn để hướng dẫn", Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam chia sẻ.

Một số những nội dung chính được doanh nghiệp quan tâm thời gian qua, theo ông Nam, gồm hướng dẫn chi tiết về đăng ký, thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm đáp ứng Lệnh 248, sắp tới là Lệnh 249. Hoặc, những công nghệ sơ chế, bảo quản để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của EU.

Do mỗi thị trường xuất khẩu lại có yêu cầu khác nhau, nên SPS Việt Nam chủ trương đa dạng hóa cách thức truyền tải thông tin. Bên cạnh hướng dẫn doanh nghiệp, Văn phòng sẽ nêu những mô hình, tấm gương thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo tính minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Một điểm mới nữa là việc kiếm soát virus SARS-CoV-2 trên bao bì, đặc biệt là sản phẩm đông lạnh. Đây là vấn đề được Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung kiểm soát chặt chẽ. Để giải quyết cách căn cơ, SPS Việt Nam phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam để làm rõ những yêu cầu cụ thể về bao bì sản phẩm.

Song song với thời gian diễn ra các hội nghị, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Sở NN-PTNT, Sở Công Thương tại địa phương để đưa mọi người tham quan những mô hình điểm. Từ thực tế khảo sát, những vấn đề về thiết kế nhà xưởng, kiểm soát các mối nguy hại, nuôi động vật trong nhà xưởng, hoặc việc đeo khẩu trang, găng tay của người lao động... đều được phân tích, mổ xẻ.

"Có những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, nhưng nếu chúng ta không dành sự quan tâm đúng mức có thể dẫn tới hậu quả lớn. Đó là lý do, chúng tôi muốn có những hướng dẫn sinh động, giúp người dân cảm nhận rõ rệt, từ đó kích hoạt hành động trong việc đưa vào sản xuất", ông Nam nhấn mạnh.

Thứ hai, là đối tượng tham gia. Văn phòng SPS Việt Nam cam kết mời số lượng lớn người nông dân, những người trực tiếp sản xuất, tham dự hội nghị. "Người nông dân là chủ thể đầu tiên trồng cây xuống đất, là chủ thể đầu tiên thả cả xuống ao, khởi nguồn cho chuỗi giá trị xuất khẩu. Đây là đối tượng phải nắm chắc nhất những quy định, tín hiệu thị trường, từ đó nâng cao nhận thức ngay từ lúc bắt đầu quy trình sản xuất", ông Nam bày tỏ.

Thông qua Hội Nông dân tại các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, Văn phòng SPS Việt Nam kêu gọi sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, giúp lan toả thông tin về chuỗi sự kiện vào tháng 6 sắp tới.

Thứ ba, về diễn giả. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, Văn phòng SPS Việt Nam còn mới nhiều nhà khoa học đến từ khối Viện, trường trên cả nước. Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của Văn phòng TBT Việt Nam. Cùng với SPS Việt Nam, TBT Việt Nam là cơ quan đầu mối thông tin về thị trường liên quan đến các thành viên WTO.

Trong nửa đầu năm 2022, có hiện tượng, doanh nghiệp khi gặp vướng mắc, khó khăn liên quan đến xuất khẩu thì bối rối trong việc liên hệ với cơ quan quản lý để tìm cách tháo gỡ. Là cơ quan đầu mối, trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng Lệnh 248, Lệnh 249, Văn phòng SPS Việt Nam nhận thấy đây cũng là một điểm nghẽn cần phải tháo gỡ.

"Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao. Vì thế, để những hướng dẫn đi sâu vào cuộc sống, chúng ta không thể làm chung chung. Hy vong, qua 3 bước đột phá kể trên, cách làm của chúng ta sẽ thực sự thay đổi, từ đó thay đổi sản phẩm đầu ra", ông Nam nhấn mạnh.

Từ 3 đột phá kể trên, Văn phòng SPS đặt mục tiêu giúp người dân tạo ra các sản phẩm đa giá trị, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của những thị trường khó tính nhất, đồng thời tránh để nông sản rơi vào cảnh "được mùa mất giá".

     

 

 

 


Thế Phương – P.QLTM

Lượt xem: 5065

Thống kê truy cập

Đang truy cập:388

Tổng truy cập: 17932050