Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

2022-12-05 19:27:00.0

Phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thời gian qua, Bình Dương là địa phương có thế mạnh về chế biến gỗ và là một trong những địa phương hàng đầu của cả nước về xuất khẩu đồ gỗ. Bình Dương là địa phương dẫn đầu với giá trị đạt 6,12 tỷ USD chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 7,6% về giá trị so với năm 2020 (đạt 5,68 tỷ USD chiếm 47,3%). Với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, Bình Dương hiện có 1.215 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ (BIFA, 2022). Trong đó, doanh nghiệp trong nước có 905 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 310 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD. Ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất. Năm 2021, xuất khẩu ngành gỗ tỉnh Bình Dương chiếm tỷ trọng 18,6% trong kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan … tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng tốt. Tính đến thời điểm hiện nay, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tạo ra những lợi thế nhất định đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu, nhất là trong thu hút đầu tư và đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực do các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc. Bình Dương thu hút nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài nước đến đầu tư.

 

 

 

Chế biến gỗ là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương 

 

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức. Giá mủ cao su sụt giảm trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng chặt cây cao su với quy mô lớn để trồng các loại cây khác. Ngoài ra, nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ chuyển từ đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp, dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ cao su cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong giai đoạn trước mắt và trong dài hạn. Cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ diễn ra ngày càng gay gắt, ngành công nghiệp chế biến gỗ mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhưng hiệu quả chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là gia công. Ngoài ra, trong thời gian qua ngành công nghiệp chế biến gỗ chưa được quy hoạch, hoạt động còn phân tán, ảnh hưởng đến môi trường và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước…

Từ những lý do trên, Sở Công Thương đã tham mưu và đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 3085/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương định hướng phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu gỗ trong nước và nhập khẩu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất; đẩy mạnh đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu uy tín phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh các mối liên kết và tương tác với các tổ chức, tham tán thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất tỉnh Bình Dương năm 2025 đạt 9 - 10 tỷ USD; năm 2030 đạt 12 - 13 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tỉnh Bình Dương bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 20%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 10%/năm. 

Nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong thời gian tới, đề án cũng đã đề ra các giải pháp tập trung thực hiện những định hướng sau: tập trung phát triển đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, củng cố và phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, xây dựng, hoàn thiện chuỗi cung ứng,  v.v…

Hy vọng với những định hướng và giải pháp của Đề án nêu ra, ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương sẽ có những bước tiến dài hơn, xa hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nội dung chi tiết Quyết định xem tại đây./.

/documents/296837/1457606/3085-QD.signed.pdf/96cfef8d-ab08-463e-bf44-76eafbebea50


Kim Cúc – Văn phòng Sở

Lượt xem: 3041

Thống kê truy cập

Đang truy cập:367

Tổng truy cập: 17942939