Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại

2022-06-17 11:36:00.0

Không phải ngẫu nhiên mà sự khởi đầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất trùng với sự khởi đầu của ngành công nghiệp hóa chất vào nửa cuối thế kỷ 18.

Những phát minh công nghệ hóa học đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người và trở nên không thể thiếu. Không phải ngẫu nhiên mà sự khởi đầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất trùng với sự khởi đầu của ngành công nghiệp hóa chất vào nửa cuối thế kỷ 18. Từ đó đến nay, trong mọi lĩnh vực kỹ thuật và đời sống, ở đâu cũng có thể thấy dấu ấn của Công nghiệp hóa chất, các vật liệu xây dựng: xi măng, gốm sứ, sắt thép; Năng lượng: xăng, dầu, nguồn điện hóa học, năng lượng tái tạo; Các mặt hàng tiêu dùng như sơn, nhựa, cao su, mực in, dệt nhuộm; Các sản phẩm phục vụ nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc… Ngoài ra, có rất nhiều ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ hóa học công nghệ cao như điện tử: chế tạo vi mạch, màn hình LED, OLED, công nghệ nano; Công nghiệp thực phẩm: thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm; Công nghệ y dược: xét nghiệm, phát triển thuốc, vắc xin…

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất trở thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại
Hình minh họa

Cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể. Chủng loại, cơ cấu sản phẩm ngày càng đa dạng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trong một số lĩnh vực (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa) và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác.

Hầu hết các dự án trong 10 năm trở lại đây như các tổ hợp hoá dầu Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung, khí công nghiệp Airliquid, Messer, săm lốp ô tô Brigestone, Sailoon, Kumho, các nhà máy phân bón, hoá chất thuộc PVN, Vinachem, TKV đều sử dụng công nghệ tiên tiến, tương đương với trình độ khu vực và thế giới.

Nhiều doanh nghiệp lâu năm cũng đã chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật, cách thức sản xuất mới và thu được những hiệu quả rõ rệt. Công ty cổ phần Sơn Nishu đã tiến hành thay thế công thức sản phẩm, đầu tư mới thiết bị, giảm thiểu các yếu tố khó phân hủy trong môi trường. Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam và Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì đã ứng dụng công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion. Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Cao su Miền Nam đã đầu tư và đưa nhà máy lốp xe tải radial và đặc biệt, tổ chức sản xuất loại lốp ô tô đặc chủng cho xe siêu tải trọng, loại sản phẩm này có giá trị sản xuất công nghiệp cao, tiềm năng khai thác ở thị trường trong nước và xuất khẩu rất lớn. Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã triển khai công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ hai lần… Các Công ty đã khẳng định được lợi nhiều mặt khi áp dụng công nghệ mới, hiện đại, thiết bị tiên tiến, điều khiển tự động, không những hiệu quả sản xuất tăng, định mức tiêu hao nguyên liệu giảm, mà các yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, cần thừa nhận, trong bức tranh tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam, vẫn còn nhiều mảng màu chưa sáng. Ngành mới chủ yếu cung cấp được một số sản phẩm thông dụng, chưa sản xuất được các sản phẩm hóa chất có yêu cầu kỹ thuật cao, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, sản phẩm kém tính cạnh tranh. Còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm, mất an toàn dẫn đến tâm lý e ngại, không chào đón tại một số địa phương và cộng đồng dân cư.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội được đặt ra trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu. Điều này một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất trong nền kinh tế quốc dân, và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành này.

Nói tới phát triển công nghiệp hóa chất là nói đến sự kết hợp hài hòa giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa phát triển theo hướng hiện đại và tăng trưởng xanh. Tại Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ, có thể thấy rõ nét những định hướng phát triển ngành theo cả chiều rộng và chiều sâu. Một mặt, xây dựng ngành công nghiệp hoá chất theo hướng hiện đại với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Mặt khác, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một xu hướng tất yếu đối với sự phát triển chung của tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, xã hội; đặc biệt là lĩnh vực chế biến, chế tạo. Và ngành công nghiệp hóa chất chính là yếu tố không thể thiếu để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn. Ông Lê Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho rằng công nghiệp hóa chất đã và sẽ là ngành giao thoa của các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về phát triển và môi trường và xã hội trong những xu thế hiện đại và văn minh hóa ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Còn theo ông Patrick Haverman- Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, “Bằng cách áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị theo 4 khía cạnh chính: Tạo doanh thu, nâng cao thương hiệu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro”.

Đây là lý do mà phát triển các tổ hợp hoá chất tập trung, trung tâm logistics về hoá chất được coi là giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển ngành. Các khu công nghiệp hoá chất tập trung sẽ thu hút các dự án sản xuất hóa chất và các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác. Các sản phẩm và chất thải của nhà máy này trở thành nguyên liệu của nhà máy khác trong tổ hợp, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đồng thời nhờ đó hình thành được mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong toàn ngành. Các Khu công nghiệp hóa chất tập trung được định hướng xây dựng tại các địa điểm vị trí địa - kinh tế, chính trị thuận lợi, có lợi thế về nguồn nguyên liệu, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ cho người lao động, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…, có hệ thống quản lý, giám sát để đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường. Nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu và tại các châu lục khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…) đã rất thành công với mô hình này.

Việc hình thành các khu công nghiệp hoá chất tập trung sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất, hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam về một ngành công nghiệp xanh và hiện đại. Hiện nay, bước đầu đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận rất ủng hộ, và chủ trương thu hút xây dựng các khu công nghiệp hoá chất tập trung tại địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp luật, xây dựng các chính sách hỗ trợ đủ mạnh làm tiền đề cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại./.


https://congthuong.vn

Lượt xem: 4098

Thống kê truy cập

Đang truy cập:356

Tổng truy cập: 17933618