Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng và khả năng dịch chuyển nguồn nhân lực thanh niên Việt Nam trên thị trường lao động

2020-10-23 10:48:00.0

TCCS - Thanh niên Việt Nam là bộ phận ưu tú, là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Trong bối cảnh kinh tế tri thức, kinh tế số và hội nhập quốc tế hiện nay, thanh niên Việt Nam có nhiều cơ hội lập nghiệp, phát triển và cống hiến. Tuy nhiên, thanh niên phải có sức khỏe, thể lực, trí lực, kỹ năng và tính năng động xã hội, sức sáng tạo, mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng và khả năng dịch chuyển trên thị trường lao động mới có cơ hội việc làm bền vững là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay đối với thanh niên.

Đào tạo học sinh, sinh viên phay CNC, tiện CNC tại Trung tâm Đào tạo công nghệ cao của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên)_Ảnh: TTXVN

Thống nhất nhận thức về phát triển kỹ năng nghề nghiệp nguồn nhân lực thanh niên

Kỹ năng nghề nghiệp là khái niệm liên quan đến năng lực con người (chất lượng nguồn nhân lực) trong hoạt động nghề nghiệp. Về bản chất, kỹ năng nghề nghiệp của thanh niên là năng lực chuyên biệt của cá nhân về một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp nào đó với sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, thái độ để có thể thực hiện hoạt động nghề nghiệp đó hiệu quả. 

Theo nghĩa rộng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của thanh niên là quá trình thanh niên được đào tạo và tích lũy trong lao động về kiến thức, kỹ năng và thái độ theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp quy định, được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của một nghề nào đó. Với nghĩa hẹp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của thanh niên là quá trình đào tạo, đào tạo lại, trang bị hoặc bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng và thái độ để có năng lực cần thiết hoàn thành tốt hơn công việc đang làm.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thanh niên là một hệ thống bao gồm cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo hành lang pháp lý cho phát triển kỹ năng nghề nghiệp; các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thích ứng với khung trình độ quốc gia và phát triển hệ thống tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Để có cơ hội việc làm trên thị trường lao động, thanh niên phải có khả năng dịch chuyển. Khả năng này lại phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực. Thanh niên được phát triển kỹ năng nghề nghiệp sẽ có chất lượng cao hơn và do đó nâng cao được khả năng dịch chuyển trên thị trường lao động. Khả năng đó là tổng hòa năng lực của cá nhân thanh niên có thể di chuyển về không gian hoặc nghề nghiệp để có việc làm, là sự kết tinh của nhiều phẩm chất giúp thanh niên đáp ứng được yêu cầu của công việc ở nơi đến. Điều này thể hiện rõ ở “Mô hình cấu trúc khả năng dịch chuyển của lao động thanh niên” phù hợp với quan hệ cung - cầu lao động, đó là:

Từ phía cá nhân lao động (phía cung), thanh niên phải có năng lực chung, bao gồm yếu tố về sức khỏe (thể lực), về trình độ học vấn (trí lực), đạo đức, lối sống… (tâm lực); năng lực/kỹ năng về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ “kỹ năng cứng”; năng lực/ kỹ năng về vốn xã hội, ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc theo nhóm… “kỹ năng mềm”.

Từ phía điều tiết khách quan của thị trường lao động (phía cầu): Nhu cầu lao động thanh niên về năng lực/kỹ năng nghề nghiệp của người sử dụng lao động; từ phía can thiệp, điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước (Nhà nước cần có các chính sách phù hợp với thị trường lao động, tạo cơ sở pháp lý, cơ sở xã hội cung cấp dịch vụ việc làm và dịch vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu của cả người lao động và người sử dụng lao động).

Như vậy, khả năng dịch chuyển của thanh niên trên thị trường lao động mạnh hay yếu, phụ thuộc vào việc có hội đủ các yếu tố theo mô hình này hay không và ở mức độ nào. Hiện nay, quá trình dịch chuyển nguồn nhân lực thanh niên trên thị trường lao động rất đa dạng và linh hoạt, về cơ bản theo xu hướng: Từ vị trí việc làm yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp/trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp đến vị trí việc làm có yêu cầu cao hơn phù hợp với bước chuyển từ áp dụng công nghệ thấp sang áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; từ vị trí, việc làm có giá trị lao động (tiền lương và thu nhập) thấp lên vị trí, việc làm có giá trị lao động cao hơn; từ việc làm khu vực có giá trị gia tăng/năng suất lao động thấp sang khu vực có giá trị gia tăng/năng suất lao động cao hơn; từ việc làm khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; từ việc làm khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức… Tuy nhiên, trên thực tế, với áp lực điều tiết cung - cầu của thị trường lao động, có thời điểm, có lĩnh vực, nguồn nhân lực thanh niên phải dịch chuyển theo hướng không thuận chiều. 

Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Thanh niên là lực lượng lao động đông đảo và có vai trò đặc biệt trong cơ cấu “dân số vàng”. Năm 2018, cả nước có 19,41 triệu lao động thanh niên, trong đó có 13,5 triệu tham gia lực lượng lao động, chiếm 24,5% lực lượng lao động xã hội. 

Về phát triển kỹ năng nghề nghiệp, giai đoạn 2007 - 2018, nguồn nhân lực thanh niên có kỹ năng nghề nghiệp bậc cao có tốc độ tăng rất nhanh, bình quân 11,67%/năm ở nhóm cao đẳng và 8,54%/năm đối với nhóm đại học trở lên. Trong khi đó, nhóm không có kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp bậc thấp, bậc trung có xu hướng giảm với tốc độ bình quân mỗi năm lần lượt là -2,27%; -3,51%; -2,40%. Về cơ cấu, nguồn nhân lực thanh niên có kỹ năng nghề nghiệp trong tổng lực lượng lao động thanh niên năm 2018 thì số có kỹ năng nghề nghiệp bậc cao (cao đẳng và đại học) chiếm tới 67,87% (đại học 39,81%, cao đẳng 28,06%). Trong khi đó, số có kỹ năng nghề nghiệp bậc thấp (sơ cấp) chỉ chiếm 11,46% và có kỹ năng nghề nghiệp bậc trung chiếm 20,66%.

Chất lượng nguồn nhân lực thanh niên sau khi được đào tạo, phát triển kỹ năng tăng lên đáng kể, có khả năng dịch chuyển tự do và linh hoạt theo ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo không gian địa lý (nông thôn/thành thị/vùng, miền), theo nghề và cấp trình độ chuyên môn, theo vị trí và hình thức việc làm..., góp phần quan trọng vào cân đối cung - cầu lao động trên thị trường lao động theo hướng tiến bộ, cũng như mở rộng cơ hội việc làm tốt hơn cho họ.

Nguồn nhân lực thanh niên có xu hướng dịch chuyển ra khỏi khu vực nông thôn. Giai đoạn 2007 - 2018, lực lượng lao động thanh niên ở nông thôn có mức tăng trưởng âm, tương đương mức giảm bình quân -2,05% năm. Lực lượng lao động thanh niên ở thành thị có tốc độ tăng bình quân ở mức 1,90%/năm, tương ứng với mức tăng khoảng 96,22 nghìn người/năm. Năm 2018, cả nước có khoảng gần 3,94 triệu thanh niên làm việc ở khu vực thành thị, chiếm khoảng 30,97% tổng số việc làm của lực lượng lao động thanh niên.

Dịch chuyển việc làm của nguồn nhân lực thanh niên trong 3 nhóm ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ diễn ra theo xu hướng tích cực. So với năm 2007, thì năm 2018 việc làm của thanh niên trong ngành nông nghiệp có khoảng 3,90 triệu người, chiếm khoảng 30,75% tổng số việc làm, giảm 16,3%; việc làm trong ngành công nghiệp có 4,40 triệu người, chiếm 34,67%, tăng 8,40%; việc làm trong ngành dịch vụ là 4,39 triệu người, chiếm 34,59%, tăng 7,9% .

Có sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu việc làm của nguồn nhân lực thanh niên khi nhóm làm công ăn lương ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số việc làm. Đến năm 2018, cả nước có khoảng 7,7 triệu thanh niên làm công ăn lương, chiếm 60,92% tổng số việc làm, tăng gần 20% so với năm 2007, tương ứng với mỗi năm tăng lên khoảng gần 200 nghìn người. Năm 2018, nhóm tự làm có khoảng 1,87 triệu người, chiếm 14,7% tổng số việc làm. Giai đoạn 2007 -2018, nhóm này có tốc độ giảm khá nhanh, khoảng 6,13%/năm. Năm 2018, tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay đạt khoảng 85%, với mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng (đại học), 6 triệu đồng/tháng (cao đẳng).

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực thanh niên chưa cao, số có kỹ năng nghề nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Theo số liệu điều tra lao động việc làm năm 2018, tỷ lệ qua đào tạo của thanh niên chỉ chiếm 27%. Số chưa có kỹ năng nghề nghiệp hoặc kỹ năng nghề nghiệp thấp khó dịch chuyển hơn trên thị trường lao động để tìm được việc làm, nếu được doanh nghiệp tuyển dụng cũng phải có thời gian đào tạo lại tại doanh nghiệp. Nhóm thanh niên là chủ các cơ sở sản xuất/doanh nghiệp cũng rất ít, chỉ có hơn 75,4 nghìn người, chiếm gần 0,59%. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp có xu hướng tăng từ 4,25% năm 2011 lên 5,58% năm 2018, chủ yếu là đối với số chưa có kỹ năng nghề nghiệp hoặc trình độ kỹ năng nghề nghiệp thấp. Đặc biệt, nhóm 15 - 24 tuổi chưa có kỹ năng nghề nghiệp thất nghiệp chiếm tới 6,78%, cao gấp 3,1 lần so với tỷ lệ thất nghiệp  2,19% của lực lượng lao động trong độ tuổi. Ngay cả thanh niên mới tốt nghiệp đại học trở lên cũng nhiều người chưa có việc làm. 

Công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp mặc dù có bước đổi mới quan trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Thực trạng này đặt ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thể chế đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chưa bảo đảm thúc đẩy các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chuyển mạnh theo hướng phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên; các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp hoạt động chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa định hướng nghề nghiệp với phát triển kỹ năng nghề nghiệp và việc làm với doanh nghiệp. Do đó, nguồn nhân lực thanh niên còn thiếu và yếu cả “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” cần thiết, nhất là ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc theo nhóm, trong môi trường đa văn hóa...

Thứ hai, thể chế phát triển kỹ năng nghề nghiệp tuy đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện và theo kịp với sự phát triển, thay đổi của thực tiễn, năng lực quản lý phát triển kỹ năng nghề nghiệp còn bất cập.

Việc thực hiện chức năng quản lý, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, như tham mưu, đề xuất chính sách, pháp luật, tổ chức xây dựng và thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia,... còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống kỹ năng nghề nghiệp theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại; sự tham gia của các chủ thể khác, đặc biệt là doanh nghiệp còn hình thức.

Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam chậm được ban hành; việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp chưa triển khai được rộng rãi, mới đáp ứng được một phần rất nhỏ yêu cầu của danh mục nghề, yêu cầu của người lao động, rất nhiều nghề trọng điểm chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được ban hành còn thấp so với tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực ASEAN và quốc tế; phát triển kỹ năng nghề nghiệp của thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, của doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp áp dụng khoa học và công nghệ mới từ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cơ sở đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia phát triển chưa rộng khắp, năng lực còn hạn chế (về nhân lực đánh giá, về ngân hàng bộ đề thi, về áp dụng công nghệ thông tin…), chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế đòi hỏi ngày càng tăng.

Thứ ba, thể chế thị trường lao động tuy luôn được bổ sung, hoàn thiện nhưng chưa theo kịp tình hình thực tiễn không ngừng thay đổi và diễn biến phức tạp. Trong đó, chưa bảo đảm giải phóng triệt để sức sản xuất và sức lao động; thị trường lao động phát triển chưa đồng đều và vẫn có sự phân mảng; thanh niên còn gặp nhiều khó khăn, kể cả khi có kỹ năng nghề nghiệp, trong tự do dịch chuyển theo ngành nghề, cấp trình độ, theo vùng địa lý, khu vực chính thức/phi chính thức, theo vị trí việc làm,... do thiếu dự báo cung - cầu lao động, còn hạn chế về thông tin thị trường lao động, về cung cấp dịch vụ việc làm, còn có những rào cản về mặt hành chính, nhất là hộ khẩu, cư trú, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản...

Thứ tư, hệ thống dịch vụ thị trường lao động (phân tích, dự báo, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm...) hỗ trợ thanh niên có kỹ năng nghề nghiệp dịch chuyển trên thị trường lao động chưa phát triển, nhất là các sàn giao dịch việc làm; việc áp dụng công nghệ thông tin còn yếu và chất lượng dịch vụ chưa cao. 

Định hướng và giải pháp trong thời gian tới 

Học viên thực hành tại xưởng thực hành sửa chữa khung, vỏ và sơn ô tô _ Ảnh: baotintuc.vn

Về định hướng đến năm 2030:

Một là, phát triển kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khả năng dịch chuyển của thanh niên là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và việc làm của thanh niên; bảo đảm nguồn nhân lực thanh niên có kỹ năng và tính cơ động cao thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng hiện đại và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng sáng tạo gắn với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. 

Hai là, chủ động, tích cực, đi trước một bước trong phát triển kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng dịch chuyển của thanh niên, gắn với ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ hiện đại, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bước chuyển biến nhanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành mà Việt Nam có ưu thế cạnh tranh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ở khu vực và quốc tế.

Ba là, phát triển kỹ năng nghề nghiệp toàn diện để nguồn nhân lực thanh niên có khả năng dịch chuyển tự do và linh hoạt trên thị trường lao động; ưu tiên phát triển kỹ năng nghề nghiệp trình độ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; phát triển có trọng tâm kỹ năng nghề nghiệp cho lao động thanh niên đạt trình độ quốc tế để có khả năng dịch chuyển, cạnh tranh công bằng khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế; coi trọng đúng mức phát triển kỹ năng nghề nghiệp thích hợp với công nghệ sử dụng nhiều lao động cho thanh niên nông thôn, khu vực phi chính thức để có khả năng dịch chuyển tìm việc làm trên thị trường lao động góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động khu vực kinh tế phi chính thức.

Bốn là, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của nguồn nhân lực thanh niên theo kịp xu hướng, nhu cầu kỹ năng nghề nghiệp của thị trường lao động luôn phát triển và biến đổi. Các hướng cơ bản là đa kỹ năng, thạo một nghề chuyên sâu, biết nhiều nghề liên quan; có khả năng sáng tạo trong lao động, giải quyết các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ phức tạp, thích ứng và linh hoạt dễ dàng hòa nhập, thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi việc làm trên thị trường lao động; chú ý kỹ năng đàm phán, thương lượng và thỏa thuận về việc làm với người sử dụng lao động, kỹ năng làm việc theo nhóm, trong môi trường đa văn hóa, có ngoại ngữ, tin học đáp ứng công việc…

Năm là, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận các chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng dịch chuyển của nguồn nhân lực thanh niên trên thị trường lao động trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập.

Để thực hiện những định hướng lớn trên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về phát triển kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở lấy nguồn nhân lực trẻ làm trung tâm, để phát huy nguồn nhân lực thanh niên đối với tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước. Từ đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các đối tác xã hội và của chính bản thân thanh niên đối với phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế và phát triển mạnh hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp và hiện đại: Thiết lập tổ chức dự báo và tăng cường công tác dự báo nhu cầu kỹ năng nghề nghiệp của thanh niên; đẩy nhanh thiết lập khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia để chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực thanh niên; nâng cao năng lực và đẩy nhanh tiến độ bổ sung danh mục các công việc cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; xây dựng và cập nhật các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để đẩy nhanh hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ; từng bước tiếp cận tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực ASEAN và quốc tế nhằm tạo tiền đề và điều kiện cho việc đàm phán công nhận lẫn nhau; phát triển và nâng cao năng lực của các tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ngày càng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp; xây dựng ngân hàng đề thi; nghiên cứu (có thể thí điểm) thành lập các hội đồng ngành có sự tham gia của các bên liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ…

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế và đổi mới đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên theo hướng mở và linh hoạt, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức (lý thuyết) sang trang bị kiến thức và phát triển kỹ năng; phát triển đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống kết nối giữa định hướng nghề nghiệp => đào tạo, giáo dục nghề nghiệp => thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm => người sử dụng lao động/doanh nghiệp; phát triển mạnh đào tạo kỹ năng trong doanh nghiệp, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp với các mô hình đa dạng, hiệu quả; chú trọng đào tạo các “kỹ năng mềm”.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường lao động có khả năng kết nối cung - cầu lao động tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho nguồn nhân lực thanh niên theo hướng tiếp tục giải phóng triệt để sức lao động, xóa bỏ các rào cản về hành chính để thanh niên tự do dịch chuyển về không gian và nghề nghiệp; phát triển thị trường lao động rộng khắp trên cả nước, nhất là ở vùng chậm phát triển, vùng dân tộc thiểu số; từng bước phát triển thị trường nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh kết cấu hạ tầng thị trường lao động, nhất là hệ thống dự báo cung - cầu lao động và thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho thanh niên có kỹ năng tự do dịch chuyển trên thị trường lao động để có cơ hội việc làm bền vững.

Thứ năm, xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng dịch chuyển của thanh niên, như chương trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, chuyên gia trẻ; chương trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp phổ cập cho thanh niên chưa có nghề, chủ yếu là ở nông thôn và khu vực phi chính thức; chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên có kỹ năng để trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh/doanh nghiệp.

Thứ sáu, mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên thông qua chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên; hợp tác phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp quốc gia; hỗ trợ tin học hóa quản lý và điều hành hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…/.


Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/

Lượt xem: 701

Thống kê truy cập

Đang truy cập:286

Tổng truy cập: 18303326