Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Những “ông mai, bà mối” đưa hàng Việt vào thị trường Ấn Độ

2021-02-18 15:07:00.0

Không khó để tìm thấy các mặt hàng như cà phê hòa tan, cá tra – cá ba tra và trái thanh long… của Việt Nam trên các kệ hàng của trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn 5 sao tại Ấn Độ. Có được những “trái ngọt” này chính là sự nỗ lực và góp sức không nhỏ của Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ. Thậm chí, ngay trong “bão” dịch Covid-19, những “ông mai, bà mối” này vẫn miệt mài “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập vào thị trường này một cách thuận lợi nhất.

Vai trò tiên phong

Được phân công viết mảng hội nhập chưa lâu và thực tình chưa đi sâu sát vào một thị trường nhất định, nhưng với tôi – một phóng viên viết mảng hội nhập của Bộ Công Thương, khi hỏi về thị trường Ấn Độ là tôi nhớ đến ngay ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Sở dĩ là do tôi hay nghe anh, chị em kỹ thuật trong Ban Thời sự kinh tế của Báo Công Thương nói với nhau, “lại có thư của ông Bùi Trung Thướng trên mail điện tử, đẩy luôn tin lên nhé”. Hay “ông Thướng gửi thêm tin về xúc tiến thương mại trực tuyến giữa Việt Nam - Ấn Độ, hội chợ triển lãm trực tuyến nữa đấy…”. Điều này đủ cho thấy sự tích cực cũng như nhiệt huyết của một tham tán thương mại không chỉ có nhiệm vụ là “ra- đa” kết nối thị trường giữa doanh nghiệp trong nước với thị trường nước ngoài mà còn tích cực truyền tải thông tin thị trường kịp thời đến người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tích cực tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến

Tích cực tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến

Với việc tham gia, tổ chức hơn 30 chương trình xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến trong năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ hoàn toàn xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xúc tiến thương mại và đặc biệt là một trong những Đại sứ quán đầu tiên trên thế giới tổ chức giao thương và hội chợ triển lãm trực tuyến. Từ đó, góp phần tạo nên “thành tích” thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ năm 2020 đạt 10 tỷ USD, với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng tốt, như nông sản.Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu chè có bước tăng trưởng đột biến tăng 300,6 % so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu hạt điều tăng 21,3%; xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 32,3%; xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 22,6%...

Tuy vậy, khi nói về kết quả này, ông Bùi Trung Thướng vẫn khiêm nhường cho rằng, đó là sự may mắn. “Chúng ta thường nghe “Trong nguy có cơ” và quan trọng nhất là làm sao chuyển hóa được điều đó. Nhìn lại bối cảnh và những khó khăn trong những chặng đường đã qua, chúng tôi cũng không hiểu tại sao chúng tôi làm được khối lượng công việc khổng lồ như thế”- ông Bùi Trung Thướng chia sẻ và kể lại, vào cuối tháng 3/2020, khi Ấn Độ thực hiện cách ly xã hội – phong tỏa toàn quốc, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Thương mại song phương giữa hai nước đạt trung bình từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD/tháng lập tức bị gián đoạn. Nhiều đơn đặt hàng không thực hiện được, những đơn hàng đã rời cảng, không có hồ sơ chứng từ kèo theo, mỗi ngày thương vụ nhận được hàng chục cuộc điện thoại, email, tin nhắn đề nghị hỗ trợ, “giải cứu” để khỏi bị phá sản. Nhận thấy được sự khó khăn đó và thấm nhuần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp ba”, chỉ sau 10 ngày kể từ khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngày 28/4/2020, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp tổ chức chương trình giao thương trực tuyến, kết nối doanh nghiệp đầu tiên tại các điểm cầu ở thủ đô New Delhi(Ấn Độ) và Hà Nội.

“Tôi còn nhớ, khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương tìm kiếm các phương pháp xúc tiến thương mại mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Ấn Độ đã xung phong đăng ký thực hiện ngay, khi mà các thương vụ còn đang bàn xem phương pháp mới là như thế nào? Có đồng nghiệp còn cho rằng chúng tôi đã “quá mạo hiểm” khi tổ chức vào thời điểm đó”- ông Bùi Trung Thướng bộc bệch.

Và chính sự mạnh dạn, “mạo hiểm” ấy đã tạo thành công ngoài dự kiến của Thương vụ. Chương trình đã thu hút gần 300 người tham dự, công tác kết nối được đảm bảo, từ đó mở ra xu hướng mới trong xúc tiến thương mại. Không chỉ đổi mới trong phương thức làm việc mà cũng từ những buổi giao thương trực tuyến ấy cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn trên trường quốc tế. “Sau mỗi buổi giao thương chúng tôi nhận được nhiều thư hỏi hàng, thư đề nghị kết nối giao thương hơn. Doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hơn, ít “sợ” hơn khi giao tiếp với các đối tác nước ngoài”- ông Bùi Trung Thướng vui vẻ nói.

Những “ông mai, bà mối” đưa hàng Việt vào thị trường Ấn Độ

Quả thanh long Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ

Sẵn sàng vì lợi ích của doanh nghiệp

Tuy nhiên, không phải lúc nào con đường đi cũng trải đầy hoa hồng, và công tác kết nối thị trường cũng vậy. Có những thành công và cũng không ít thất bại. Ông Bùi Trung Thướng chia sẻ, vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 khi đại dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, nhận được chỉ thị từ lãnh đạo Bộ Công Thương khẩn trương tìm kiếm các nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế đặc biệt là màng kháng khuẩn “Meltblown”, thương vụ ngay lập tức triển khai đi tìm kiếm nhà cung cấp. Tuy nhiên khi công tác kiểm tra mẫu, đàm phán ký kết hợp đồng cơ bản đã kết thúc, doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị chuyển tiền đặt cọc thì Chính phủ Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh “cấm xuất khẩu khẩu trang và nguyên vật liệu y tế”.

“Bao nhiêu công sức kết nối thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong gần 2 tháng đã “đổ xuống sông – xuống biển”. Cảm xúc lúc đó rất mệt mỏi và thất vọng, tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng phải vượt qua để bắt đầu một cuộc chiến khác”- ông Bùi Trung Thướng ngậm ngùi kể lại.

Và cũng chính thất bại này đã giúp cho người tham tán thương mại lâu năm như ông Thướng càng hiểu rõ hơn về các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, hiểu rõ việc những quốc gia nào đang nắm lợi thế so sánh trên trường quốc tế và cũng hiểu hơn công tác cảnh báo do doanh nghiệp quan trọng như thế nào. Không chỉ có nhiệm vụ “ông mai, bà mối” đưa thương hiệu Việt vào thị trường Ấn Độ mà tham tán thương mại còn “sắm” thêm vai hỗ trợ, giải quyết các tranh chấp thương mại. Đó là trường hợp khi kết nối không thành công “thương vụ” trên, mặc dù Thương vụ đã nghiên cứu, gửi đăng các tin cảnh báo về rủi ro trong ngành khẩu trang y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác, kết quả không nhận được hàng hóa. “Công việc của chúng tôi lại tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, vì lợi ích của doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại”- ông Thướng chia sẻ.

Hay câu chuyện “giải cứu” thành công 62 containers hạt tiêu mắc kẹt tại Ấn Độ và Nepal do lệnh hạn chế nhập khẩu và tác động của dịch Covid-19, cán bộ Thương vụ đã phải thực hiện nhiều buổi làm việc trực tuyến với doanh nghiệp, có buổi làm việc đến 9 giờ tối ngày Chủ nhật, đồng thời thực hiện khoảng 500 cuộc điện thoại, email, tin nhắn tới các cơ quan bộ ngành của Ấn Độ và Nepal; các doanh nghiệp có lô hàng bị mắc kẹt, tới Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cộng đồng tiêu thế giới…

Năm 2021 còn đó những thách thức, với dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp và tình hình kinh tế thế giới bất ổn, nhưng những cán bộ thương vụ tại Ấn Độ vẫn miệt mài như những con ong làm mật, lập từng kế hoạch cụ thể, để phấn đấu thực hiện mục tiêu 25 – 30 chương trình xúc tiến thương mại trong năm, hoàn thành xuất sắc vai “ông mai, bà mối”, góp phần quảng bá hình ảnh, hàng hóa, thương hiệu Việt Nam không chỉ ở thị trường Ấn Độ mà vươn ra khắp năm châu.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 7889

Thống kê truy cập

Đang truy cập:394

Tổng truy cập: 17922400