Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Nhiều thương hiệu quay lại với thị trường bất động sản bán lẻ

2021-04-12 09:13:00.0

Nhận định về những dấu hiệu tích cực mới của thị trường bất động sản Hà Nội, CBRE Việt Nam trong báo cáo về bất động sản quý I/2021 đã nêu lên nhiều chỉ dấu cho thấy thị trường bán lẻ đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Chỉ dấu của sự hồi phục phân khúc bán lẻ của thị trường bất động sản được đánh dấu bằng việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Hà Nội tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 giảm 0,01% theo năm). Cùng đó số lượng người ghé thăm các trung tâm thương mại hoặc các không gian bán lẻ cũng bắt đầu gia tăng và có triển vọng phục hồi tốt.

“Số lượng các thương hiệu mới gia nhập thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý I/2021 đã gần tương đương năm 2019”- Giám đốc CBRE Việt Nam- Chi nhánh Hà Nội Nguyễn Hoài An cho biết.

Nhiều thương hiệu quay lại với thị trường bất động sản bán lẻ
Nhiều thương hiệu bán lẻ mới đã và sẽ và Việt Nam trong năm 2021

Về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý đầu năm 2021. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi ở mức hơn 1 triệu m² diện tích thực thuê.

Về hoạt động thị trường, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại tiếp tục giảm nhẹ do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để thu hút khách thuê, trung bình đạt 24,4 USD/ m²/tháng, giảm 1,8% theo năm và 0,5% theo quý. Tỷ lệ trống tại các khu vực này vẫn ở mức cao, đạt 14,5% cao hơn 2,2 điểm phần trăm theo quý và 6,4 điểm phần trăm theo năm.

Tại khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một đạt 108,1 USD/ m²/tháng, tăng 0,4% theo quý và 10,2% theo năm. Khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới. Tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm 3,5 điểm phần trăm so với quý trước.

Về khách thuê, thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý đầu tiên của năm 2021 chứng kiến sự mở rộng và gia nhập của nhiều nhãn hàng như Pandora, Haidilao, Weeken Max Mara. Dự kiến trong các quý tới, các nhãn hàng thời trang, ẩm thực và siêu thị sẽ tiếp tục ra mắt tại Hà Nội, giúp thị trường bán lẻ sôi động hơn.

Nhiều thương hiệu quay lại với thị trường bất động sản bán lẻ
Các phân khúc của thị trường bất động sản ở Hà Nội có triển vọng hồi phục

Trong 3 quý còn lại của năm 2021, thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến chào đón 73.000 m² mặt bằng mới, trong đó phải kể đến dự án Vincom Mega Mall City. Ngoài ra, sau năm 2021, dự kiến sẽ có khoảng 200.000 m² diện tích thực thuê gia nhập thị trường. Các dự án mới này vẫn tập trung ở khu vực ngoài trung tâm. Cư dân ở phía Bắc và phía Nam thành phố và các khu vực lân cận sẽ có thêm các sự lựa chọn để mua sắm và sử dụng dịch vụ khu hai dự án có quy mô lớn là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Giáp Bát chính thức đi vào hoạt động.

Ở phân khúc căn hộ, báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy, trong quý I/2021, thị trường Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 4.400 căn hộ mở bán mới, giảm 39% so với quý trước, nhưng tăng tới 270% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nếu so sánh với quý I/2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam.

Chuyên gia của CBRE cho biết, căn hộ trung cấp tiếp tục là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường khi chiếm đến 80% tổng nguồn cung mở bán mới trong quý I/2021. Khu phía Đông và phía Tây tiếp tục là hai khu vực chính tập trung dự án mới với tổng cộng chiếm 77% nguồn cung mới. Tỷ lệ hấp thụ dự án ở mức cao, trên 90% tổng nguồn cung mới.

“CBRE kỳ vọng không chỉ mảng bất động sản nhà ở mà cả mảng bất động sản thương mại cũng sẽ chào đón nhiều dự án mới với sự tham gia phát triển của cả chủ đầu tư nước ngoài và chủ đầu tư trong nước đến từ khu vực phía Nam”- đại diện CBRE nói.

Liên quan đến cơn sốt trên thị trường bất động sản gần đây, đại diện CBRE cho rằng đây không phải là lần đầu tiên chứng kiến cảnh “sốt” này trên thị trường mà nó đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008 – 2010. Tuy nhiên đợt “sốt” lần này dường như có quy mô rộng hơn do trùng với tâm lý phát triển kinh tế với những kỳ vọng tăng trưởng khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Một khác biệt rõ nhất là về tín dụng và lãi suất ở mức tương đối thấp còn thời kỳ 2008 – 2010 ở mức vừa phải.

“Vấn đề chính của thị trường là số lượng các giao dịch đến đâu, có hay không chứ không phải là các tin tức về giá đất “sốt” ở nơi này, nơi kia”- đại diện CBRE Việt Nam nhìn nhận.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 6036

Thống kê truy cập

Đang truy cập:375

Tổng truy cập: 17933261