Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Nhiều biện pháp quyết liệt kiềm chế tăng giá bất hợp lý

2010-06-24 09:22:00.0

Theo dự báo của Bộ Công thương: Giá cả hàng hóa trong tháng 6 chỉ tăng nhẹ từ 0,2-0,25%, có như vậy là do giá những mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy chỉ số giá tăng cao

Theo dự báo của Bộ Công thương: Giá cả hàng hóa trong tháng 6 chỉ tăng nhẹ từ 0,2-0,25%, có như vậy là do giá những mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy chỉ số giá tăng cao như: sắt thép, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, xi măng… đang trong xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Chẳng hạn, trong tháng 6/2010 giá vật liệu xây dựng giảm 0,04% so với tháng 5; Giá lương thực tiếp tục giảm do đang vào vụ thu hoạch và lượng gạo tồn kho vụ Đông Xuân còn nhiều trong khi kim ngạch xuất khẩu gạo trong quý 2 giảm mạnh... Đặc biệt, giá thép xây dựng có khả năng tiếp tục giảm do giá nguyên liệu và thành phẩm nhập khẩu có xu hướng giảm do lượng hàng tồn kho còn khá lớn. 

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 không tăng đột biến nhưng Bộ Công thương cũng cảnh báo: Từ nay đến cuối năm rất có thể có những nhân tố bất lợi khiến CPI tăng cao như thời tiết, dịch bệnh còn nhiều diễn biến bất thường; Mùa du lịch cũng đã bắt đầunên giá một số nhóm hàng như thực phẩm có thể tăng cao hơn. Trong khi đó, từ tháng 1/2010, Chính phủ đã dừng hỗ trợ lãi suất 4% với khoản vay ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc Nhà nước và DN thực hiện lộ trình giá thị trường với một số mặt hàng thiết yếu, như xăng dầu, nước sạch, điện... cũng tạo ra sức ép tăng giá hàng hóa lớn trên thị trường. Không chỉ có vậy, từ 1/5/2010, mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với 4 loại hình cơ quan; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 12,3% cũng góp phần làm tăng quỹ tiêu dùng xã hội, tăng lượng tiền ra lưu thông và tác động tâm lý gây sức ép tăng giá. Trong tháng 6/2010, chỉ số CPI của hai thị trường tiêu thụ lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng trở lại. Tại thị trường Hà Nội, CPI trong tháng 6 đã tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2009 và có đến 9/11 nhóm hàng có CPI tăng, Chỉ số CPI của TP Hồ Chí Minh đã tăng 0,35% so với tháng 5 và tăng 9,55% so với cùng kỳ năm 2009. Điều đó cho thấy, mục tiêu CPI cả năm là 8% thì việc kiềm chế CPI trong những tháng còn lại là rất khó khăn. 

Quyết liệt kiềm chế

Mặc dù việc kiềm chế chỉ số CPI ở mức 8% như kế hoạch đề ra đã có dấu hiệu khả thi, nhưng ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cảnh báo: Lạm phát có thể sẽ tăng trở lại nếu không có những đối sách hợp lý trong việc quản lý, điều hành giá cả thị trường từ nay đến cuối năm. 

Để kiềm chế tăng giá và kiểm soát giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính bên cạnh việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, sẽ kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá của những mặt hàng thiết yếu qua việc đăng ký giá, kê khai giá và công khai thông tin về giá, nhất là đối với các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp nhằm thực hiện theo lộ trình giá thị trường, nhưng vẫn có sự điều chỉnh hợp lý, bảo đảm khi giá thế giới giảm, giá trong nước cũng giảm ngay cho phù hợp.

Nhằm quản lý giá đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh, Bộ Tài chính đang sửa đổi quy định liên quan nhằm đưa mặt hàng này vào diện phải đăng ký, kê khai giá từ tháng 7/2010. Với mặt hàng thép xây dựng sẽ đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra từ đó kiểm soát chi phí, tránh việc doanh nghiệp nâng giá tùy tiện; Bộ Tài chính sẽ yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép đăng ký giá, kể cả bán lẻ. Nhằm hạn chế những bất cập về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt sai phạm lên đến 40 triệu đồng. 

Nhằm bình ổn giá cả thị trường từ nay đến cuối năm, UBND TP Hà Nội đã quyết định chi 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để dự trữ những mặt hàng thiết yếu như gạo trắng thường, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thuỷ hải sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ; UBNDTP Hồ Chí Minh cũng đãchi ra hơn 380 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mua hàng dự trữ với lãi suất 0%. Những doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi phục vụ dự trữ hàng đã cam kết sẽ bán cung ứng hàng hóa thấp hơn giá thị trường 10% khi thị trường có biến động cung cầu.


Lượt xem: 368

Thống kê truy cập

Đang truy cập:357

Tổng truy cập: 18316276