Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Nhập khẩu xăng dầu tăng do sản xuất phục hồi

2020-11-23 22:36:00.0

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc nhiều nhất với 2,04 triệu tấn, trị giá 845,65 triệu USD, tiếp đến là thị trường Malaysia, Singapore… Riêng đối với thị trường Trung Quốc, dù nhập khẩu xăng dầu từ thị trường này có tăng, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.

Nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ

Trong tháng 10/2020, nhập khẩu xăng dầu từ đa số thị trường hồi phục so với tháng 9/2020, sau những tháng liên tiếp trước đó giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và do hoạt động nhập khẩu phụ thuộc vào thời điểm doanh nghiệp ký giao nhận xăng nên có tình huống lượng nhập dồn vào một thời điểm.

1308-201909250343ch50

Nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam

Riêng trong tháng 10, nhập khẩu xăng dầu về nước đạt 489.449 tấn với trị giá 181,18 triệu USD, tăng gần 10% cả về lượng và trị giá so với tháng 9 nhờ sản xuất dần phục hồi trong những tháng gần đây.Theo Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương), 10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập về 6,88 triệu tấn xăng dầu với trị giá trên 2,71 tỉ USD, lần lượt giảm 15% về lượng và giảm 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân được cho là bởi sản xuất ở một số lĩnh vực bị sụt giảm do tác động từ đại dịch Covid-19 trong nhiều tháng, còn trị giá sụt giảm mạnh vì giá dầu thế giới giảm tới 35,% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Sự hồi phục thể hiện qua những con số trong tháng 10/2020. Cụ thể, nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Trung Quốc tuy chỉ ở mức 43.915 tấn, nhưng tăng 601% so với tháng 9/2020 (6.265 tấn); Malaysia tăng 39,3% về lượng và tăng 46,8% kim ngạch so với tháng 9/2020, đạt 188.168 tấn; nhập khẩu từ Thái Lan tăng 26,6% về lượng và tăng 30,3% về kim ngạch, đạt 76.262 tấn, trị giá 26,56 triệu USD; nhập khẩu từ Hàn Quốc trong tháng 10 vẫn cao nhất, đạt 144.634 tấn, trị giá 58,79 triệu USD.

Đáng chú ý, riêng đối với thị trường Trung Quốc, dù nhập khẩu xăng dầu từ thị trường này tăng mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam. Cụ thể, 10 tháng năm 2020, Trung Quốc chỉ chiếm 8,25% trong tổng khối lượng và 9,49% trong tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của cả nước.

Từ đầu năm 2016, nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc vào Việt Nam có những khoảng thời gian giảm khá mạnh so với trước bởi việc thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN khiến thuế nhập khẩu các loại dầu từ thị trường này về Việt Nam giảm xuống 0% và xăng còn 20%, trong khi thuế nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn duy trì 10-20%.

Dự báo trong thời gian tới, Hàn Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam. Tiếp theo là Singapore, Malaysia, Thái Lan…, còn Trung Quốc khó "chen chân" vào những thị trường Top đầu.

Hướng tới ổn định thị trường

Trên thực tế, các hoạt động kinh tế của Việt Nam quay trở lại bình thường đang giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam… đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, ổn định thị trường.

Một số chuyên gia nhìn nhận, các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thử nghĩ, nếu ta chỉ đi nhập khẩu mà không tự chủ được nhu cầu năng lượng, khi thị trường thế giới biến động hoặc vì một lý do nào đó mà các quốc gia xuất khẩu tạo sức ép nguồn cung, tăng giá đột biến, thì nguy cơ chúng ta phải mua xăng dầu giá cao gấp nhiều lần là hoàn toàn có thể.

Nói về giá bán, đơn cử như giá bán xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng trên nguyên tắc thị trường và cạnh tranh ngang bằng với hàng nhập khẩu từ khu vực được ưu đãi thuế nhập khẩu thấp nhất. Ở đây, giá bán xăng của Dung Quất được xây dựng tương đương với xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (có thuế nhập khẩu 10%), giá bán dầu DO của Dung Quất được xây dựng tương đương với dầu nhập khẩu từ khu vực ASEAN (có thuế nhập khẩu 0%). Thêm vào đó, việc tiêu thụ xăng dầu trong nước còn mang lại một số lợi thế như chi phí vận tải (cước phí, thời gian quay vòng tàu), hạn chế rủi ro biến động tỷ giá trong kỳ thanh toán, chi phí thuế VAT đối với hàng nội địa được trả sau 30 ngày cùng với tiền hàng,…

Hay như Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã đáp ứng khoảng 33% nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về nhiên liệu trong nước, giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu và cung cấp nguồn năng lượng an toàn cho nền kinh tế Việt Nam.


Nguồn: https://congthuong.vn/

Lượt xem: 766

Thống kê truy cập

Đang truy cập:375

Tổng truy cập: 17929527