Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Ngành dệt may: Gồng mình duy trì sản xuất

2021-07-19 08:52:00.0

Trong thời gian qua, một số tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 bùng phát. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may cũng chịu rất nhiều tác động.

Khó khăn chồng chất

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang ở trong thời điểm khó khăn nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát dịch đến nay. Lần đầu tiên tập đoàn có ca F0 và diễn biến trên diện rộng. Tính đến ngày 10/7 đã có trên 10.000 lao động không thể đến nhà máy - chiếm 10% lực lượng lao động của tập đoàn và trên 20% lực lượng lao động phía Nam (khu vực đóng góp trên 60% thu nhập cho tập đoàn).

Ngành dệt may: Gồng mình duy trì sản xuất
Dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực có số lượng lớn doanh nghiệp dệt may đang sản xuất, kinh doanh - khiến ngành dệt may chật vật trong việc duy tr hoạt động.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex - cho rằng, khi TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ thì số lượng lao động không thể làm việc sẽ tăng nhanh. “Khó khăn sẽ còn chồng chất hơn khi tất cả các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã đủ đơn hàng đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12. Việc cam kết giao hàng và thực hiện trách nhiệm của hợp đồng kinh tế cũng là rủi ro rất lớn với từng doanh nghiệp” - lãnh đạo Vinatex lo lắng.

Công ty TNHH Việt Thắng Jean dù đã chủ động sửa lại nhà xưởng, chuẩn bị thêm trang thiết bị để bố trí cho công nhân vừa làm việc vừa nghỉ ngơi tại chỗ theo Chỉ thị 16, đồng thời ổn định sản xuất. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn rất lo bởi sản xuất trong điều kiện giãn cách chỉ có thể đạt 50% công suất, trong khi các xưởng ở TP. Hồ Chí Minh phải đạt sản lượng 20.000 sản phẩm/ngày mới đủ 5 container hàng/tuần giao cho khách hàng.

Việc TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch đã chồng thêm gánh nặng buộc doanh nghiệp dệt may phải gồng mình xoay sở vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo từng cấp độ

Sau 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đã đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2020, vượt qua cả con số của cùng kỳ 2019. Bộ Công Thương nhận định, ngành đã phục hồi khá sớm so với dự báo phải hết 2021 mới quay lại ngưỡng 2019, thậm chí đến quý III/2022. Kết quả này, dù được đánh giá khả quan, tuy nhiên xét trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có thể thấy ngành dệt may sẽ rất chật vật trong việc giữ được thành quả đã đạt được trong nửa đầu năm.

Cộng hưởng với đó là những dự báo không hề tươi sáng cho ngành trong nửa cuối năm 2021. Trong đó, chi phí thương mại được dự báo vẫn giữ ở mức độ cao và là rủi ro trọng yếu cho phục hồi thương mại. Tỷ giá neo ổn định cũng là bất lợi đối với các ngành xuất khẩu như dệt may trong khi các quốc gia cạnh tranh quyết liệt như Ấn Độ, Bangladesh… đều có điều chỉnh nội tệ giảm so với USD. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 30% trong 6 tháng đầu năm vừa là niềm vui nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro trong chính sách của Mỹ với Việt Nam, nhất là trong điều kiện điều khoản 301 của Luật Thương mại 1974 vẫn chưa hoàn toàn được giải tỏa trong tiếp cận của Mỹ.

Riêng với Vinatex, nửa cuối năm 2021 cũng nhận diện nhiều rủi ro mới. Ông Lê Tiến Trường nhận định, các doanh nghiệp trọng yếu như: Phong Phú, Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, Hữu Nghị nằm trong vùng có dịch và phải làm việc giãn cách, tỷ lệ lao động làm việc thấp; các mặt hàng thế mạnh chưa có biểu hiện phục hồi; ngành sợi có đóng góp lớn về hiệu quả nhưng có độ nhạy cảm cao với thị trường, vị thế kinh doanh chưa bền vững; cơ hội thị trường tốt, nhưng nếu không đảm bảo tiến độ sản xuất thì có nguy cơ hệ lụy về kinh tế.

Trước những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp dệt may, nhất là các doanh nghiệp khu vực phía Nam, Bộ Công Thương đã rốt ráo yêu cầu các cơ quan thuộc bộ và địa phương bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức hướng dẫn Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí an toàn.

Từ thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, lãnh đạo Vinatex cũng đề nghị, cán bộ, người lao động thuộc tập đoàn, tuyệt đối tuân thủ các quy định của ngành y tế trong phòng dịch, đảm bảo an toàn cho cá nhân, gia đình và doanh nghiệp; sẵn sàng tham gia sản xuất trong điều kiện vừa sản xuất, vừa lưu trú tại nhà máy. Tổ chức công đoàn, tích cực tham gia cùng người quản lý chuẩn bị điều kiện lưu trú cho người lao động, chuẩn bị nhu yếu phẩm, cung ứng tại chỗ. Các cơ sở sản xuất phía Bắc và miền Trung chuẩn bị sẵn sàng cho điều kiện vừa sản xuất vừa lưu trú; đặc biệt, nâng công suất tối đa vừa đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ, vừa có cơ hội bù đắp sản lượng cho doanh nghiệp phía Nam do giãn cách đang bị giảm thiểu .

Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng, có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị cho những đơn hàng sắp tới.

Dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực có số lượng lớn doanh nghiệp dệt may đang sản xuất, kinh doanh - khiến ngành dệt may chật vật trong việc duy trì hoạt động.

https://congthuong.vn

Lượt xem: 5375

Thống kê truy cập

Đang truy cập:27183

Tổng truy cập: 18240479