Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Ngân hàng Thế giới cảnh báo về cuộc khủng hoảng tài chính 'thầm lặng'

2021-01-15 08:29:00.0

(TBKTSG Online) - Nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, các nước không nên nhầm lẫn giữa sự bật nẩy trở lại của nền kinh tế là sự hồi phục lâu dài mà họ đang mong đợi. Bà cũng cảnh báo một cuộc khủng hoảng tài chính “thầm lặng” đang dần hiện ra trong tương lai gần. Bà Reinhart kêu gọi Trung Quốc tái cấu trúc nợ trong nước và nỗ lực hơn trong xóa nợ, giãn nợ cho các nước nghèo.

Công nhân Trung Quốc làm việc trên tuyến đường sắt nối Côn Minh và thủ đô Viêng Chăn của Lào. Các gói vay từ Trung Quốc có lãi suất trên 7%, rất cao so với mức 0,3% của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: AP

Bật nẩy và hồi phục kinh tế khác nhau hoàn toàn

Trong cuộc phỏng vấn phát hôm 14-1 trên Bloomberg TV, bà Reinhart nói rằng các chiến dịch tiêm chủng đang triển khai có thể chấm dứt đại dịch. Dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới đúng một năm. Sức tàn phá của đại dịch sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi số ca nhiễm giảm thiểu tối đa và biến mất.

Một cuộc khủng hoảng về y tế và sức khỏe giờ đây đã biến hình thành “những vấn đề cân đối tài chính” đối với các thành tố xã hội và mở rộng dần đến mức quốc gia và thế giới. Các áp lực đó sẽ đe dọa đến sự hồi phục kinh tế hoàn toàn của toàn cầu trong tương lai gần.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, riêng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể chạm mức gần 8%. “Đừng nhầm lẫn giữa sự bật dậy với sự hồi phục. Sự bật nẩy của nền kinh tế chỉ giúp đưa mức thu nhập theo đầu người đến gần mức trước khi dịch bùng phát. Nếu gọi đó là hồi phục thì chúng ta tự gạt nhau”, bà nhấn mạnh.

Kinh tế gia trưởng của WB từng là đồng tác giả sách “Growth in a Time of Debt”, tạm dịch “Tăng trưởng trong giai đoạn đầy nợ nần”, với nhà kinh tế học nổi tiếng Kenneth Rogoff viết về khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bà Reinhart cho rằng tình trạng suy thoái hiện nay không đột ngột và gây bất ngờ như sự phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hơn một thập niên trước, gây kích nổ khủng hoảng tài chính toàn cầu sau đó. “Một cuộc khủng hoảng tài chính được dịch Covid-19 kích hoạt sẽ có thể xuất hiện. Nhưng nó sẽ không bùng nổ đầy kịch tính, mà sẽ chầm chậm lan rộng”, bà nói. 

Điều gì xảy ra khi dịch kéo dài, các gói cứu trợ chấm dứt?

Một trong những lo ngại của bà Reinhart là dịch sẽ kéo dài. Mỹ sẽ tiếp tục vật lộn với các ca nhiễm mới tăng vọt và đó vẫn chưa là đợt bùng phát nguy hiểm nhất.

Các đợt phong tỏa kéo dài đã làm tình trạng mất việc gia tăng và làm sức mua của người dân giảm. Hệ quả lâu dài là tạo áp lực khủng khiếp hơn đối với từng cá nhân.

“Tuy nhiên, từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng doanh nghiệp và từng quốc gia đang đối diện với áp lực nợ to lớn. Tôi lo ngại rằng khi tình hình này kéo dài, cán cân tài chính của cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và quốc gia sẽ bi đát hơn bởi áp lực cứ tích lũy dần và đến lúc nào đó sẽ bùng vỡ”, bà nhận định.

Các đợt cứu trợ của chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ làm nhẹ bớt áp lực suy thoái kinh tế rộng khắp. Các gói cứu trợ kinh tế hàng ngàn tỉ đô la tung ra đã giúp thu nhập hộ gia đình ổn định hơn.

Lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục thấp ở mức kỷ lục cho đến khi số người đi làm và tỷ lệ lạm phát chạm những cột mốc trước dịch.

Bên cạnh các hỗ trợ tiền tệ và tài khóa, các chương trình hoãn nợ đã tung các phao cứu sinh cho các gia đình chật vật và các công ty đang thiếu vốn. Nhưng thời điểm các chương trình này kết thúc thì thế giới đối diện nguy cơ mới.

“Liệu khi cắt ống thở thì các nền kinh tế đang lâm bệnh sẽ tiếp tục sống sót, liệu các núi nợ đang phình ra trước đó sẽ không là vật nặng đè lên ống thở, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế? Các định chế tài chính toàn cầu đã đồng ý cho các giai đoạn ân hạn, miễn giảm nợ - dù rằng ở nhiều mức độ rất khác nhau. Thời gian ân hạn đối với các doanh nghiệp, các hộ gia đình không cần phải trả nợ vay và lãi suất rồi sẽ kết thúc. Điều gì sẽ xảy ra?”, bà Reinhart đặt câu hỏi.

Kêu gọi vai trò tích cực hơn từ Trung Quốc

Khối nợ của Trung Quốc - gồm nợ của cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và chính phủ - đã tăng hơn 300% so với quy mô GDP của nền kinh tế nước này. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới ở các thị trường mới nổi toàn cầu.

Với tư cách này, Trung Quốc cần phải có vai trò tích cực trong tái cấu trúc khối nợ này như cách Câu lạc bộ Paris đã từng làm trong các khủng hoảng quá khứ. “Tôi cho rằng điều Trung Quốc cần làm để giải quyết tình trạng nợ tràn lan là làm tương tự các chủ nợ khác đã từng làm trong quá khứ. Tức là tái cấu trúc nợ trong một giai đoạn rất quan trọng. Hoặc là hạ lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ, xóa bỏ các món nợ chính hoặc là kết hợp các biện pháp trên”, bà Reinhart nói trong một cuộc phỏng vấn tương tự dành cho hãng tin Reuters.

Bà nói trong suốt thời gian dịch hoành hành, Trung Quốc cần phải lãnh “trách nhiệm mới” vốn là một quy định rất lâu đời của các nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris. Bởi giờ đây, Bắc Kinh lần đầu tiên đối diện với tình trạng các con nợ của họ ngày càng gặp khó khăn và mất đi khả năng trả nợ. “Tình trạng này ngày càng lan rộng”, bà phát biểu.

Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận giãn nợ của khối G20, mà trong đó, đến 73 nước nghèo nhất trên thế giới được ưu tiên dừng trả các món nợ song phương chính thức để dành nguồn lực này dành cho các chương trình chống Covid-19 và săn sóc sức khỏe. Trung Quốc cũng đồng ý khuôn khổ của sáng kiến này của khối G20.

“Thách thức kế tiếp là ở giai đoạn tiếp theo là chúng ta phải xóa nợ những món nợ thật sự lớn”, bà Reinhart nói. Bà cũng nhắc lại là trong quá khứ có đến 50% các gói vay mà Trung Quốc tung ra đã không được báo cáo với WB cũng như IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế).

Bà cũng nói rằng các thành viên Câu lạc bộ Paris và Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong những quyết định “xóa nợ và rồi lại tiếp tục cho vay nhiều hơn”. “Làm cách nào thoát khỏi những vòng tròn hay chu kỳ này? Tôi ước rằng tôi có câu trả lời”, bà nhắc lại câu chuyện hàng chục quốc gia từng phát triển bùng nổ và rồi vỡ nợ trong quá khứ.

Hợp đồng vay nợ cần minh bạch

Chủ tịch WB David Malpass từng cảnh báo là nếu như không có xóa nợ vĩnh viễn, nhiều người dân ở các nước đang phát triển sẽ bị đẩy trở lại tình trạng nghèo đói và hệ quả là có thể xảy ra tình trạng bất ổn của thập niên 1980. Ông nhấn mạnh sự tham gia toàn diện của Trung Quốc trong các nỗ lực cứu trợ nợ, bao gồm luôn các khoản cho vay của các doanh nghiệp nhà nước của họ.
Ông cũng chỉ ra rằng lãi suất của Trung Quốc thật sự cao. “Tại Ecuador, các khoản nợ của Trung Quốc đều có lãi suất trên 7%. Trong khi đó, các khoản cho vay của WB hiện ở mức rất thấp bởi vì tính ngang với lãi suất Libor hiện ở mức 0,3% mỗi năm, cộng thêm khoản phí”, ông trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia.
Ông cũng nhấn mạnh các chi tiết hợp đồng, chẳng hạn như lãi suất, lịch trình trả nợ hay tài sản thế chấp cần thiết đều phải công khai. Tài sản thế chấp vốn là thành tố của nền kinh tế đã được để dành cho chủ nợ mà không được xác định rõ trong các hợp đồng trước đó.
Ông Malpass nhắc lại sự cần thiết của sự minh bạch khi nền kinh tế thế giới bước vào quá trình hồi phục sau dịch trong năm 2021-2022. “Với sự minh bạch, người dân một nước biết được cái gì trong các hợp đồng mà các nhà lãnh đạo nước họ đã ký. Vì thế, sẽ có cách tiếp cận xây dựng hơn với các thị trường tài chính thật sự hữu ích cho sự phát triển quốc gia”, Chủ tịch WB nói.

https://www.thesaigontimes.vn/

Lượt xem: 4116

Thống kê truy cập

Đang truy cập:350

Tổng truy cập: 17933602