Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Logistics thông minh và những động lực từ thương mại điện tử tại Trung Quốc

2020-11-25 11:42:00.0

Ngành thương mại điện tử của Trung Quốc đang phát triển nhanh trong một thập kỷ trở lại đây và đặc biệt, không có quốc gia nào khác trên thế giới coi yêu cầu giao các gói hàng cho người tiêu dùng trong 24 là một thông lệ tiêu chuẩn như Trung Quốc.

Sức mạnh của công nghệ từng bước giúp hình thành hệ thống logistics thông minh tại nước này, và có thể được coi là một chìa khóa giúp thương mại điện tử phát triển nhanh mạnh. Về phía mình, chính thương mại điện tử cũng liên tiếp đặt ra các áp lực mới cho sự cải tiến của lĩnh vực logistics tại quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Chỉ cần nhìn vào thị trường thương mại điện tử Trung Quốc có có thể thấy sự cạnh tranh khốc liệt, khối lượng bưu kiện lớn nhất thế giới và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc chính là động lực buộc lĩnh vực logistics phải liên tục đổi mới và phát triển. 

Theo eMarketer, thương mại điện tử ở Trung Quốc có quy mô lớn hơn bất kỳ thị trường nào trên toàn cầu. Theo Alibaba, Cainiao Network và các đối tác logistics của họ đã giao hơn 25,1 tỷ gói hàng thương mại điện tử vào năm 2019.
Vào mùa mua sắm cao điểm ở Trung Quốc số lượng đơn đặt hàng thường tăng chóng mặt. Năm ngoái, trong lễ hội mua sắm 11.11, hơn 1,3 tỷ đơn đặt hàng đã được Alibaba’s Cainiao Network xử lý trong vòng 24 giờ.

Trong lễ hội mua sắm trực tuyến 6.18 từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 18 tháng 6 năm 2020, đã có tới 26,18 tỷ giao dịch thương mại điện tử trị giá 16,91 nghìn tỷ NDT (khoảng 2,38 nghìn tỷ USD)- theo số liệu do Netsunion Clearing Corporation công bố. 
Để phục vụ hơn 1,4 tỷ công dân và gần 900 triệu người dùng Internet, các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ logistics tại thị trường Trung Quốc liên tục phải đổi mới, bằng cách tăng cường áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa.

Hai công ty thương mại kỹ thuật số lớn nhất nước này là JD và Alibaba cũng phải liên tục cạnh tranh và qua đó đã thúc đẩy lẫn nhau để tạo ra những bước tiến về logistics phục vụ thương mại điện tử trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Logistics thông minh với các đặc thù của thị trường Trung Quốc

Người tiêu dùng ở Trung Quốc mong đợi các dịch vụ logistics được cung cấp theo yêu cầu và miễn phí một số dịch vụ gia tăng, đồng thời không mong đợi phải trả thêm tiền cho các tính năng này. Điều này trái ngược với thị trường châu Âu và Mỹ, nơi người tiêu dùng phải trả phí cho các dịch vụ cấp tốc như Instacart và Amazon Prime Now. Các khoản phí bổ sung do các công ty này tính phản ánh chi phí vận chuyển hàng hóa cao ở các thị trường phát triển.

Về cốt lõi, Alibaba là nền tảng thương mại điện tử, trong khi JD.com là một nhà bán lẻ. Mô hình kinh doanh của họ có sự khác biệt rất lớn, nhưng trong lĩnh vực logistics, Alibaba’s Cainiao Network và JD Logistics đều loại bỏ các mô hình kinh doanh logistics thương mại điện tử truyền thống và tạo ra các giải pháp dành riêng cho thị trường.

Mạng logistics thông minh Cainiao của Alibaba cung cấp một nền tảng dựa trên dữ liệu, sáng tạo giúp cải thiện hiệu quả và trải nghiệm khách hàng cho tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng. Ở cấp độ cao, nó có thể được tóm tắt là một nền tảng logistics tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa giữa các kho hàng, sau đó sử dụng các đối tác bên thứ ba để hoàn thành việc giao hàng chặng cuối.

Alibaba cũng đã đầu tư vào các công ty logistics này nhằm nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động trên toàn bộ chuỗi logistics. Cainiao Network cung cấp nền tảng dữ liệu liên kết các nhà khai thác kho hàng, trung tâm phân phối và nhà thầu với nhau để đảm bảo có thể hỗ trợ các chuyến hàng trong nước và quốc tế.

Tự động hóa: Kho thông minh của Cainiao Network ở Vô Tích có 700 xe dẫn đường tự động (AGV). Công nghệ Internet of Things trong kho hàng hướng dẫn các AGV điều khiển, tải và dỡ hàng.

Các giải pháp giao hàng dặm cuối trong các cộng đồng địa phương cũng đã phát triển vào năm 2020. Các trạm nhận hàng đặt tại các khu vực lân cận và khuôn viên trường đại học, được gọi là Cainiao Post, chiếm 10% tổng số gói hàng được giao tại các thị trường bán lẻ của Alibaba tại Trung Quốc. Vào tháng 3 năm 2020, tổng số lượt nhận gói hàng đã tăng trưởng ba chữ số so với cùng kỳ năm ngoái, do trong và sau dịch Covid-19 nhu cầu giao hàng không tiếp xúc tăng mạnh. Cainiao gần đây đã thông báo rằng họ sẽ thêm 30.000 trạm bưu điện cộng đồng mới tại 100 thành phố ở Trung Quốc.

Cainiao cam kết tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế bằng cách nâng cao hiệu quả tổng thể của chuỗi cung ứng và khai trương các tuyến bay trực tiếp đến các khu vực chính trên toàn cầu. Cainiao dự kiến sẽ khai thác khoảng 1.300 chuyến bay thuê vào cuối năm 2020. Trong khi đó Alibaba có tham vọng đạt được giao hàng 24 giờ ở bất kỳ đâu ở Trung Quốc và 72 giờ trên toàn cầu.

Hình 11: Trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Cainiao (Alibaba)

Số hóa giao hàng dặm cuối 

Để tăng cường các dịch vụ chặng cuối, Cainiao cũng đã công bố kế hoạch mở thêm 30.000 trạm Bưu điện Cainiao trên 100 thành phố của Trung Quốc. Được đặt trong các khu dân cư và khuôn viên trường đại học, các trạm giao nhận được trang bị các công nghệ tiên tiến của Alibaba để cho phép gửi bưu kiện mà không cần tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, thu thập bưu kiện chính xác, cung cấp nhãn gửi hàng điện tử cho phép người tiêu dùng theo dõi lô hàng của họ trong thời gian thực và các phương tiện tự động mang bưu kiện trực tiếp đến tận nhà khách hàng. Là một phần của quá trình triển khai tự động hóa, Cainiao đã khởi động chương trình tuyển dụng cho những người quản lý đủ kỹ năng về công nghệ ở các trạm mới. Trong vòng một tháng, họ đã nhận được 100 triệu đơn đăng ký từ các ứng viên trên toàn quốc.

Năm nay, Cainiao cũng chuyển đổi một số trạm bưu điện của mình thành trung tâm cộng đồng, không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trữ và chuyển phát bưu kiện mà còn cả dịch vụ giao hàng giặt là và các bộ phận mua hàng theo nhóm dành riêng cho người tiêu dùng mua hàng tạp hóa hàng ngày của họ từ các nhà bán lẻ như RT-Mart với giá rẻ. Các dịch vụ này đang được thử nghiệm ở một số thành phố trên cả nước, bao gồm Tô Châu và Thành Đô.

Không chỉ phát triển ở thị trường trong nước, Cainiao còn hướng tới thị trường thương mại điện tử Nam Mỹ, ví dụ hợp đồng thuê máy bay chở hàng với Atlas Air. Theo thỏa thuận Atlas thực hiện các chuyến bay thuê chuyên dụng giữa Trung Quốc, Brazil và Chile ba chuyến mỗi tuần để 'tăng cường mạng lưới logistics rộng khắp của Alibaba khi thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh tiếp tục mở rộng'.

Tuyến sẽ bắt đầu vào tháng 11/2020 và sẽ giảm thời gian vận chuyển giữa Trung Quốc và các thị trường điểm đến từ một tuần xuống còn trung bình ba ngày, theo Air Cargo News của London.

Động thái này diễn ra khi Cainiao có khối lượng bưu kiện đến Nam Mỹ tăng mạnh trong năm nay; trong quý 3 năm 2020, hãng đã vận chuyển hơn 8 triệu gói hàng, gấp đôi số lượng được vận chuyển trong quý 2 năm 2020.

JD Logistics, giống như Cainiao Network, đang tận dụng tự động hóa và công nghệ 5G để hỗ trợ hoạt động logistics với tốc độ nhanh.

D Logistics cung cấp dịch vụ logistics từ đầu đến cuối, bao gồm cả vận chuyển hàng hóa đến kho và giao hàng chặng cuối. Dịch vụ logistics của họ có sẵn cho các doanh nghiệp trực tuyến và ngoại tuyến, gồm cả những doanh nghiệp không bán trên nền tảng thương mại điện tử. Các thương hiệu và doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ này để phân phối sản phẩm mà không cần đầu tư vào hoạt động logistics của chính họ.

Không giống như Amazon, JD Logistics không tính phí cao đối với các doanh nghiệp không sử dụng nền tảng của mình. Amazon đang bị điều tra vì tính phí doanh nghiệp cao hơn tới 75% khi giao hàng cho người tiêu dùng đã mua hàng trên nền tảng không phải của Amazon.

Cơ sở hạ tầng logistics thông minh của JD đã mở rộng mạng lưới các trung tâm logistics “Số 1 Châu Á” với mức độ tự động hóa cao (dự kiến Trung Quốc sẽ có khoảng 28 trung tâm logistics như vậy vào năm 2020) với nỗ lực tăng mức độ phủ sóng dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc ngày hôm sau, đặc biệt là ở các thị trường cấp thấp hơn. Về cơ bản, đây là các trung tâm thực hiện đơn hàng có đủ công nghệ để tăng tốc độ chuyển phát bưu kiện.

Ba trung tâm logistics mới nằm ở Lang Phường, tỉnh Hà Bắc; Đức Châu, tỉnh Sơn Đông; và Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Trung tâm ở Đông Quan, thuộc châu thổ sông Châu Giang, rộng 500.000 mét vuông, tương đương với 70 sân bóng đá và có thể đáp ứng khoảng 1,6 triệu đơn đặt hàng mỗi ngày.

JD Logistics cũng đã ra mắt trung tâm logistics thông minh hỗ trợ 5G đầu tiên ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2019. Cơ sở này đã triển khai các hệ thống giám sát thời gian thực để phát hiện và phân tích kho hàng, theo dõi vị trí và tuyến đường của xe nâng và pallet trong thời gian thực. Công nghệ cung cấp cảnh báo trước cho người vận hành nếu có điều gì bất thường phát sinh.

Cả Alibaba và JD.com thường hứa hẹn với người tiêu dùng rằng đơn đặt hàng của họ sẽ được giao trong vòng ít giờ, một mục tiêu sẽ không thể đạt được nếu không có sự đổi mới nhất quán.

Hai tập đoàn này của Trung Quốc có lợi thế khi tận dụng được mạng lưới logistics của họ trên quy mô lớn trong nhiều kỳ nghỉ lễ mua sắm ở Trung Quốc, với khối lượng đơn hàng tăng kỷ lục và vượt tổng doanh số ở bất kỳ thị trường thương mại điện tử nào khác trên thế giới. Thống kê sơ bộ cho thấy chưa có thị trường thương mại điện tử nào khác trên thế giới thường xuyên tạo ra hàng chục tỷ đơn hàng trực tuyến trong vài ngày, như ở Trung Quốc trong các lễ hội mua sắm khác nhau. Alibaba và JD.com đã sử dụng những sự kiện mua sắm lớn này để đẩy nhanh các giải pháp dành riêng cho thị trường.

Để di chuyển hàng triệu gói hàng giữa các thương hiệu, nhà kho, trung tâm phân loại và điểm thu gom, các “mũi nhọn” như 5G, dữ liệu lớn và tự động hóa là cần thiết để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và gói hàng được phân phối một cách hiệu quả nhất về chi phí và thời gian. 

Kế hoạch phát triển logistics thông minh (smart logistics của Trung Quốc)

Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng và đạt mục tiêu 150 trung tâm logistics trong 5 năm tới (vào năm 2025) như một phần của quá trình mở rộng và chuyển đổi lớn trong các chuỗi cung ứng của họ. Đây là nội dung trong chiến lược được công bố bởi Ủy ban Cải cách và Đổi mới (NDRC) và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc.

Các trung tâm logistics mới sẽ đưa công nghệ Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào chuỗi cung ứng, nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế với các ngành sản xuất và dịch vụ thông minh hơn.

Kế hoạch của NDRC phác thảo một dạng trung tâm logistics hiện đại mới, gồm “các terminal hoàn toàn tự động, các trạm phụcvụ phương tiện vận tải không người lái và kho bãi thông minh”. Chuỗi cung ứng quốc gia được thúc đẩy bởi kỹ thuật số hóa trên phạm vi rộng và có khả năng “giám sát toàn bộ quá trình và truy xuất nguồn gốc hàng hóa”.

Trung Quốc hướng tới hình thành và nhân rộng “các trạm vận tải đa phương thức thông minh”, có xe tải tự động, xe đưa đón thông minh, robot thông minh và thiết bị bay không người lái. Kế hoạch ba giai đoạn đặt ra sự “tích hợp sâu rộng giữa công nghệ thông tin hiện đại và quản lý vận hành trung tâm logistics quốc gia”.

Tài liệu của NDRC cho biết, các trung tâm mới sẽ tạo ra “động năng mới cho phát triển logistics”.

Tổng cộng, quy hoạch này xác định sáu loại trung tâm logistics, để vận chuyển, lưu kho và trung chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt và đường biển, ở cả trong và ngoài nước. Có 212 địa điểm được quy hoạch, bao gồm 41 cảng đất liền, 30 cảng biển, 23 sân bay, 47 cảng công nghiệp, 55 cảng thương mại và dịch vụ, và 16 cảng biên giới. 

Tất cả các thành phố lớn, cảng biển và đồn biên phòng của đất nước sẽ được tích hợp vào hệ thống. Kế hoạch đặt ra một thời gian biểu năm 2020, 2025 và 2035 nhưng khá linh hoạt, với tốc độ và mức độ kết nối và trí tuệ của ngành logistics của đất nước được tăng tốc theo lịch trình.

Lĩnh vực logistics rộng lớn của Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trên bản đồ toàn cầu khi có tới 6 trong số 10 cảng container bận rộn nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng đã xây dựng được một số cảng thông minh, đặc biệt là Cảng Thượng Hải, cảng bận rộn nhất thế giới. Tuy nhiên sẽ có nhiều việc phải làm để họ bắt kịp với trình độ tự động hóa, kết nối và hoạt động logistics thông minh ở Châu Âu và Bắc Mỹ.


Nguồn: https://nganhhang.vn/

Lượt xem: 2878

Thống kê truy cập

Đang truy cập:375

Tổng truy cập: 18266884