Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Kinh tế Việt Nam 2021: Sức bật từ nội lực và ngoại lực

2021-01-13 10:10:00.0

Bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ Covid-19 cũng như các mối căng thẳng thương mại. Do đó, động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu thông qua khai thác các Hiệp định thương mại tự do.

Sức bật từ nội lực

Thông tin tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2021, diễn ra ngày 11/1, ông Nguyễn Xuân Thành - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Năm 2021 các nền kinh tế chính yếu được dự báo sẽ tăng trưởng dương, hồi phục nhất định, lấy lại những suy giảm của năm 2020. Kịch bản lạc quan này được dựa vào nền tảng Covid-19 rồi sẽ qua đi vì hiện tại nhiều nước đã phân phối vaccine.

Kinh tế Việt Nam 2021: Sức bật từ nội lực và ngoại lực

Xuất khẩu gỗ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2020

Với Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 là 6,5%. Kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì. Điểm sáng của năm 2021 để chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan gồm: Ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế; Phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; Sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài; Phục hồi sức mua trong nước và cuối cùng động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu.

Trong đó, ở khía cạnh nội lực, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong giai đoạn vừa qua, điều hành chính sách của Việt Nam đã giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Thêm vào đó nội lực vốn công nghệ, tri thức kinh doanh, năng lực nội tại cũng rất lớn. Đó là chưa kể tính đồng lòng, chung sức của cộng đồng người dân Việt Nam trong bối cảnh đất nước khó khăn. Đây là những nội dung để phát triển trong thời gian tới.

Ở khía cạnh thị trường trong nước năm 2020 vừa qua khi việc xuất khẩu các ngành hàng nông nghiệp bị gián đoạn thì thị trường trong nước đã chứng minh tầm quan trọng và trở thành trụ đỡ giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Do đó, trong năm 2021 sự phục hồi của thị trường trong nước rất quan trọng. TS. Đặng Hoàng Hải Anh - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng thế giới tại Mỹ chia sẻ rằng sức cầu nội địa là mấu chốt phát triển. Và Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy bởi châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có lợi thế là trong dân chúng tồn tại luồng vốn lớn, khác với mô hình phát triển của Tây Âu do người dân tiết kiệm thấp, tiền bỏ vào các quỹ hưu trí.

Kinh tế Việt Nam 2021: Sức bật từ nội lực và ngoại lực

Các diễn giả chia sẻ góc nhìn về bức tranh kinh tế 2021

Khai thác tối đa lợi thế các FTA

Cùng với thị trường nội địa, trong bối cảnh kinh doanh mới của năm 2021, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được sở hữu sẽ giúp Việt Nam giữ vị trí thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore về số lượng FTA thực chất và hiệu quả. “Tương tự như bàn tay, có ngón dài ngón ngắn. FTA có cái dùng cho hàng Việt chất lượng xa xỉ tới các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, tiêu chí chặt. FTA có cái dùng cho hàng Việt chất lượng chưa phải là tốt nhất nhưng được đánh giá là “phù hợp” với các thị trường đông dân chưa đòi hỏi tiêu chí quá ngặt nghèo. Vấn đề là doanh nghiệp sử dụng phương tiện gì, năng lượng gì để có thể tối ưu hóa được lợi ích từ các FTA mà Chính phủ đã dụng công đàm phán. Theo tôi điều đó phụ thuộc vào chất lượng của chính các doanh nghiệp Việt Nam”- bà Thùy nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Giovanni Group nhận định: Với những hiệp định FTAs mới, ngành dệt may, da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phát trong năm 2021. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển, đặc biệt là vị trí của Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu của ngành. Theo ông Phi, để tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, thay vì tập trung sản xuất sản phẩm ở phân khúc có giá trị thấp, việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và định vị thương hiệu Việt Nam được xem là mục tiêu mà ngành dệt may, da giày cần hướng tới.

“Chiến lược phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp và của cả ngành dệt may, da giày Việt Nam sẽ đặc biệt thuận lợi khi EVFTA, RCEP cho phép chúng ta hưởng ưu đãi với những nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao từ Châu Âu hay Nhật Bản, Úc để tạo ra những sản phẩm thời trang cao cấp. Đây là cách Giovanni đã làm trong 15 năm qua. Mô hình này kết hợp với việc trang bị khả năng thích ứng nhanh, thay đổi phù hợp với những biến động bất lường của thế giới, được xem như công thức cho các doanh nghiệp ngành dệt may da giày Việt Nam trong thập niên mới của thế kỷ 21”- ông Phi chia sẻ.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam:

Năm 2020 hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã dừng, tạm dừng toàn phần, một phần là do Covid, nhưng một phần là do bản thân sức khoẻ doanh nghiệp không vượt qua ngưỡng chống đỡ. Vì vậy sức khỏe của doanh nghiệp, nhận thức và tư duy của doanh nghiệp về một thế giới mới, phù hợp với mô hình quản trị và tổ chức sản xuất mới sẽ là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thích ứng trước các biến động cũng như thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng.

https://congthuong.vn/

Lượt xem: 3043

Thống kê truy cập

Đang truy cập:398

Tổng truy cập: 17943267