Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Kiềm chế nhập siêu: Cần nhiều giải pháp cụ thể

2010-06-11 09:40:00.0

Theo số liệu của Bộ Công thương: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong 5 tháng qua đạt 25,8 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo số liệu của Bộ Công thương:Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) trong 5 tháng qua đạt 25,8 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009. 

Ở hầu hết các thị trường XK chủ lực của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, EU, Nhật Bản, Trung Quốc kim ngạch xuất khẩu đều tăng mạnh từ 4,2 đến 23,6% so với cùng kỳ năm 2009. 

Nhập siêu đã về mức cho phép

Kim ngạch XK tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu (NK) cũng tăng theo. Trong 5 tháng qua các doanh nghiệp đã NK một lượng hàng hóa trị giá31,2 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2009. Như vậy so với kim ngạch XK thì từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập siêu một lượng hàng hóa trị giá 5,4 tỷ USD, bằng 20,8% kim ngạch XK. Nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu tăng mạnh là do đơn giá hàng hóa NK đã tăng trở lại trong khi hầu hết nguyên liệu phục vụ sản xuất đều phải NK. 

Mặc dù kim ngạch XK đã lấy lại đà tăng trưởng, từ đó kiềm chế nhập siêu, nhưng theo Theo ông Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Việc tăng trưởng XK vẫn đang ở tình trạng phát triển không bền vững. Sự đột phá của XK tháng 5 chủ yếu đến từ nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm. Mức XK bình quân từ đầu năm đến tháng 4/2010 của nhóm hàng này chỉ đạt kim ngạch vài chục triệu USD, nhưng trong tháng 5 đã tăng lên mức khoảng 800 triệu USD. Chính nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của kim ngạch XK nhóm hàng này đã góp phần giúp nhập siêu tháng 5/2010 còn 750 triệu USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Như vậy, nếu loại trừ kim ngạch XK vàng, thì XK của Việt Nam trong tháng 5 chỉ còn đạt khoảng 5,35 tỷ USD, thay đổi không nhiều so với con số thực hiện của tháng 4, khoảng 5,33 tỷ USD.

Việc nhập siêu không tăng cao trong tháng 5 là do các doanh nghiệp đang sử dụng lượng nguyên liệu đã được các doanh nghiệp dự trữ từ cuối năm trước. 

Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Trong những tháng tới, việc kiềm chế nhập siêu là điều hết sức cần thiết bởi kim ngạch XK một số mặt hàng chủ lực rất có thể sẽ giảm sút trong khi nhiều mặt hàng NK lại không lượng hóa được kể cả mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ liệu may mặc, da giầy… sẽ khó tính toán, dự báo cụ thể. Trong quý III, thị trường XK gạo sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm do các nước XK gạo chủ lực đều được mùa nên nguồn cung hàng dồi dào, hơn nữa nhu cầu NK không còn nhiều. Bên cạnh đo, việc một số ngành hàng như dệt may, da giầy bị thiếu vốn, thiếu điện cũng là rào cản trong việc đẩy mạnh sản xuất hàng XK. Không chỉ doanh nghiệp mới thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất mà ngay cả chương trình xúc tiến thương mại cũng lâm vào tình trạng tương tự,ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng mới, từ đó tăng kim ngạch XK.

Để tăng cường kim ngạch XK, giảm nhập siêu trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy mạnh việc phối hợp với Tập đoàn Dầu khí, rà soát, đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố của một số tổ máy, sớm bổ sung thêm nguồn. Trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là mặt hàng giấy, sữa; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới; Triển khai chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất hàng XK cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, nhanh chóng đưa vào vận hành ổn định để có sản phẩm cung cấp cho thị trường từ đó giảm nhập siêu. Để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh một cách kịp thời, DN không nên quá ỷ lại việc chỉ đạo từ Bộ mà cần chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể. Một trong những hướng đẩy mạnh kim ngạch XK nhưng tránh được các vụ kiện chống bán phá giá là DN cần đẩy mạnh XK các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, giá trị gia tăng cao mà không có giới hạn sản lượng như hàng điện tử, công nghệ, cơ khí.


Lượt xem: 375

Thống kê truy cập

Đang truy cập:359

Tổng truy cập: 18261493