Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Kết nối sản phẩm OCOP với người tiêu dùng

2023-04-20 16:13:00.0

Kết nối sản phẩm OCOP với người tiêu dùng

5 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm made in Bình Dương có chất lượng cao đã tạo được uy tín và được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt, đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất đạt danh hiệu OCOP (mỗi xã một sản phẩm) Bình Dương đã và đang tích cực, nỗ lực đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành hợp lý, bảo đảm chất lượng, an toàn môi trường từ đó đã giúp cho hàng Việt xuất xứ tại Bình Dương  ngày càng lan tỏa

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng

Là một trong số 19 cơ sở, đơn vị điển hình có sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh Bình Dương năm 2022, chị Bùi Thị Đoan Phượng, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi Cô giáo Phượng (huyện Bàu Bàng) chia sẻ cơ sở được thành lập vào năm 2015, chủ yếu là sản xuất thủ công theo hướng làm bằng tay tất cả các công đoạn. Giờ đây, cơ sở đã trang bị được một số máy móc tương đối hiện đại, nguồn nguyên liệu từ thịt heo tươi sạch, gia vị an toàn, sản xuất theo phương thức truyền thống để cho ra lò các sản phẩm giò thủ, bánh tét, lạp xưởng tươi… đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng dinh dưỡng cao. Cùng với đó, đơn vị còn đầu tư máy đóng gói bao bì sản phẩm, thiết kế tinh tế. Từ đó, giúp nhãn hiệu lạp xưởng tươi Cô giáo Phượng tạo ấn tượng với người tiêu dùng và được bán rộng rãi ở các địa phương trong tỉnh và một số khu vực lân cận.

Không chỉ có sản phẩm nêu trên, các sản phẩm chất lượng được sản xuất tại Bình Dương đã xác định đúng thế mạnh, tiềm năng và đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ địa phương đến các tỉnh, thành lân cận như bưởi da xanh trang trại Mai Quốc 3 (Dầu Tiếng) ; nước uống Linh chi mật ong Đông trùng hạ thảo (thị xã Tân Uyên); chuối già của Công ty TNHH An Điền (thị xã Bến Cát) … Nhiều đã tạo được uy tín và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Cụ thể, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng, ngày càng coi trọng các mặt hàng thực phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng an toàn đang được các cơ sở, đơn vị Bình Dương hướng tới với quan điểm kinh doanh sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Điển hình là HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) luôn tuân thủ các quy trình chăm sóc từ việc tưới tiêu, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh bằng ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và các biện pháp thủ công, thân thiện môi trường, đáp ứng tối ưu nhu cầu sử dụng thực phẩm theo xu hướng tiêu dùng mới. Cùng đó, HTX còn tích cực tham gia các phiên chợ,  hội chợ hàng Việt trong và ngoài thành phố để tiếp cận cũng như nắm bắt xu hướng tiêu dùng, từ đó HTX có nhiều cải tiến mới, đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị và phần mềm quản lý tập trung được điều khiển bằng điện thoại thông minh… Điều này giúp tăng tính chính xác trong quá trình canh tác và hạn chế việc lạm dụng phân, nước tưới vừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.. Quy trình sản xuất hiện đại và khoa học của HTX giúp đáp ứng được nhu cầu về hoa quả tươi sạch, chất lượng của thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy mà ổi của HTX Thanh Kiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc, Dubai (UAE), Oman, Singapore, Ấn Độ… Sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Bình Dương 2022 công nhận đạt OCOP 3 sao.

Kết nối sản phẩm OCOP với thị trường

Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghiệp- Sở Công Thương Bình Dương, việc các cơ sở, HTX, doanh nghiệp đạt OCOP đã chứng tỏ sự nỗ lực các đơn vị trong hành trình xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, từ việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cấp trang thiết bị máy móc chuyên dụng, thiết kế sản phẩm,… để sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm từ nông sản, thức uống đến hàng tiêu dùng đều đạt chất lượng an toàn đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy các nhãn hiệu Bình Dương phát triển thương hiệu sản phẩm, từng bước mở rộng các kênh tiêu thụ tại tỉnh, thành trong và ngoài tỉnh Bình Dương cũng như trên các sàn thương mại điện tử.

Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, thời gian qua, ngoài nỗ lực của bản thân các đơn vị sản xuất, ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ như phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hàng Việt, tổ chức kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các chương trình bình ổn thị trường; đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh….nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sản xuất, phân phối phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo đó, việc tham gia tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xúc tiến thương địa phương, ngoài tỉnh, ngoài nước tỉnh đã và đang mang lại kết quả nhất định.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nhất là các đơn vị, cơ sở nhỏ. Đó là sức cạnh tranh của các đơn vị chưa cao. Việc xây dựng thương hiệu tuy đã được chú trọng và có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, nhưng nhìn chung, quá trình đổi mới công nghệ các DN ở một số lĩnh vực, ngành nghề còn chậm dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm  chưa cao. Do yếu về nguồn lực về nhân sự, tài chính, quản lý… để xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, quảng cáo, marketing, phân phối, năng lực sản xuất  … nên chưa thể tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường…. Vì vậy, để sản phẩm OCOP đi xa hơn, trong đó vào được các siêu thị, kênh phân phối hiện đại thì cần đảm bảo các giấy tờ pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, có một thực tế, mặc dù các đơn vị đã được cấp chứng nhận về OCOP nhưng khi các doanh nghiệp bán lẻ yêu cầu các  giấy tờ pháp lý, giấy chứng nhận sản phẩm, giấy kiểm nghiệm…  thì hầu như các DN, chủ thể OCOP đều thiếu, bà Nguyễn Thúy Hằng nêu thực trạng.

Như vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp, cơ sở khắc phục những hạn chế nêu trên trên, với vai trò kết nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp trong và ngoài nước của tỉnh Bình Dương, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, nguồn khách hàng cũng như tư vấn về pháp luật, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng; đồng thời có biện pháp mở rộng mạng lưới phân phối, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ đó, tiếp tục khơi thông dòng chảy cho hàng hóa, tạo chỗ đứng cho hàng Việt ngay trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh, thành và ngoài nước, bà Nguyễn Thúy Hằng nói  

BOX:

Năm 2023, tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đã có 8/25  doanh nghiệp các ngành nghề thực phẩm chế biến, cà phê, giày, sữa, thiết bị đồ dùng nhà bếp, gốm sứ và rượu,….đã ký kết biên bản hợp tác với 7 Hệ thống phân phối lớn của thành phố Hồ chí Minh (LH.HTX - Coopmart, Tổng Cty Lương thực - Satra, Central Retail, Mega Market, Bách Hóa Xanh, Chợ đầu mối Hóc Môn, Sàn TMĐT Tiki) và 1 doanh nghiệp được Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao và ghi nhận hỗ trợ định hướng cho Bình ổn thị trường của thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024.

 

 

 

 


Nguồn: Thanh Hồng – Thúy Hằng (TTXT)

Lượt xem: 5696

Thống kê truy cập

Đang truy cập:394

Tổng truy cập: 17938514