Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị về phát triển chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu: Thủ tướng đặt hàng ngành xuất khẩu gỗ 2 con số

2018-08-09 11:12:00.0

Sáng 8.8, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị về “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.

Tham dự hội nghị có Ông Trần Văn Nam - Ủy Viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí Thư Tỉnh Ủy, Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Ông Nguyễn Văn Dành - Giám Đốc Sở Công Thương, Ông Trần Thanh Trúc - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và hơn 200 doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thủ tướng cùng các Đại biểu tham dự Hội nghị

Trong những năm qua ngành chế biến gỗ luôn là một trong những ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (chiếm 13,8%) và có tốc độ phát triển cao nhất tỉnh, năm 2017 tăng 14,1%. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt gần 1,5 tỷ USD (cả nước ước đạt 3,52 tỷ USD). Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.215 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó 905 doanh nghiệp trong nước (tổng vốn 10.839 tỷ đồng) và 310 doanh nghiệp nước ngoài (tổng vốn 2,3 tỷ USD).                      

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tiềm năng và xu hướng thị trường gỗ trên thế giới, cơ hội và giải pháp cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ Việt, trong đó có ngành gỗ Bình Dương - địa phương chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước; các  giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành chế biến gỗ, liên kết theo chuỗi để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của quốc tế…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng kết quả vừa qua là tốt, Thủ tướng cũng nêu rõ, cần khắc phục một số tồn tại, bất cập khi mà dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn. Đơn cử như việc bảo đảm nguồn nguyên liệu gỗ có chất lượng và hợp pháp còn hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán. Phần lớn gỗ đường kính nhỏ, non, chất lượng không đồng đều. Cam kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo, hiệu quả thực thi chưa cao… Đặc biệt, thủ tướng nhiều trăn trở khi nhiều mặt hàng gỗ Việt Nam sản xuất, song vẫn phải mang thương hiệu quốc tế do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay trên thị trường.

Thủ tướng “đặt hàng” ngành gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu đến 2 con số từ năm 2019 ( 2019 đạt 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp; Đầu tiên, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó điểm mới quan trọng là coi lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản; Khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; Đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm để tăng giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế của ngành chế biến lâm sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.                                                                                    


Lượt xem: 243

Thống kê truy cập

Đang truy cập:194

Tổng truy cập: 18345794