Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hoạt động chợ tự phát trên địa bàn tỉnh Bình Dương - Phát huy vai trò quản lý Nhà nước về việc mua bán lấn chiếm lòng, lề đường

2020-11-17 08:13:00.0

Chợ là một loại hình thương mại có từ rất lâu đời của nước ta, là kênh giao lưu buôn bán, phân phối hàng hóa của toàn xã hội. Chợ đã tạo được nét văn hóa mua sắm, tiêu dùng của người dân, đồng thời chợ cũng là địa điểm tham quan của du khách và người dân địa phương. Do đó, việc phát triển mô hình hoạt động chợ ở Việt Nam là rất cần thiết. Tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất và quy mô của mỗi loại chợ mà Ủy ban nhân dân tỉnh cần tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch phát triển chợ theo quy định; Ngăn chặn và chấm dứt tình trạng chợ tự phát sinh hoặc xây dựng không đúng quy hoạch; phải có kế hoạch và biện pháp xóa bỏ các chợ không nằm trong quy hoạch và các chợ tự phát sinh trước hết là các chợ họp trên lòng lề đường hè phố ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và trật tự công cộng.

Tiếp tục thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý chợ, thời gian qua Sở Công Thương phối hợp với chính quyền địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh và giải quyết triệt để tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng, lề đường vỉa hè kinh doanh tự phát, góp phần phát triển văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ gìn trật tự đô thị. Nổi bậc đó là,

Về công tác tuyên truyền: UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn thực hiện việc tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, phường 2 lần/tuần, tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp dân nhằm phổ biến rộng rãi để nhân dân biết việc tổ chức mua, bán họp chợ tự phát là trái quy định và yêu cầu tự tháo dỡ quầy, sạp, các xe bán hàng lưu động...thông báo công khai cấm họp chợ tại các khu vực, tuyến đường, trường học, bệnh viện, cổng ra vào các nhà máy, xí nghiệp. Tổ chức tuyên truyền các Nghị định có liên quan như: Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính Phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh; Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính Phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cùng các quy định liên quan đến việc giải tỏa.

Trong công tác tổ chức, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa chợ tự phát, kết quả đã hạn chế những điểm tự phát tập trung và tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1347/QĐ-UBND ngày 08/4/2009 về việc ban hành Đề án bố trí sắp xếp địa điểm tạm thời cho các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương của UBND tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân buôn bán nhỏ lẻ thực thi đúng pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành có liên quan thường xuyên đôn đốc nhắc nhở Ban chỉ đạo giải tỏa chợ tự phát, duy trì triển khai thực hiện ở các huyện, thị xã, thành phố và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; tổ chức ra quân giải tỏa các tụ điểm họp chợ tự phát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm về chợ tự phát. Tiếp tục triển khai thực hiện văn bản số 3940/UBND-KTN ngày 18/12/2013 của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được quyết định địa điểm kinh doanh chợ tạm phải phù hợp với địa phương nhằm tổ chức quản lý, sắp xếp trật tự kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự và văn minh thương mại. Kết quả trên toàn tỉnh hiện nay đã thành lập 31 chợ tạm thời nhằm giải quyết địa điểm kinh doanh cho các hộ mua bán nhỏ, góp phần giải tỏa các điểm tập trung tự phát. Cụ thể là: tại các thành phố: Thủ Dầu Một có 02 chợ; Dĩ An có 02 chợ và Thuận An có 09 chợ; Tại thị xã: Tân Uyên có 12 chợ, Bến Cát có 04 chợ và có 02 chợ tại huyện Phú Giáo.

Chợ tự phát tại khu vực đối diện trường Võ Minh Đức (ngã ba đường Bùi Quốc Khánh – 30/4)

Về công tác giải tỏa: Ban chỉ đạo giải tỏa chợ tự phát, mua bán lấn chiếm lòng, lề đưởng vỉa hè của UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường chủ trì phối hợp với lực lượng công an và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng, lề đưởng vỉa hè, qua đó góp phần giảm các điểm tự phát đặc biệt ở 2 địa bàn là thành phố Thuận An và Dĩ An.

Nhìn chung, được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường vỉa hè, có sự chuẩn bị tốt về nhân lực và phương tiện. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, bà con tiểu thương nhận thức được những sai phạm, tự tháo dỡ, di dời các mái hiên, lều sạp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường khi được cơ quan chức năng nhắc nhở ...

Tuy nhiên, công tác giải tỏa chợ tự phát, mua bán lấn chiếm lòng, lề đưởng vỉa hè vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là:

Các cá nhân tham gia mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường vỉa hè không phải chịu các khoản chi phí như tiền thuế, tiền thuê mặt bằng...nên cố tình đối phó với cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức, hoạt động mua bán lưu động, phương tiện mua bán chủ yếu là xe đẩy, xe ba bánh, thao, thúng, sạp gỗ có gắn bánh xe....khi lực lượng chức năng kiểm tra nhanh chóng dọn hàng đi nơi khác hoặc dời vào mua bán bên trong phần đất của người dân hoặc tạm ngưng buôn bán; Khi lực lượng chức năng đi khỏi thì lại mang hàng ra bán như lúc đầu làm cho tình trạng tái lập chợ tự phát hiện vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Tâm lý của đa số người dân trong đó chủ yếu là công nhân lao động có thói quen mua sắm dọc theo lòng lề đường cho tiện lợi nên dễ gây ùn tắc giao thông;

Với thực trạng ý thức người dân như trên, các xã, phường có chợ tư phát đã thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa chợ tự phát mua bán lấn chiếm lòng, lề đường vỉa hè. Nhưng do công tác giải tỏa vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục nên tình trạng tái lập mua bán tự phát còn cao, thời gian họp chợ tự phát thường kéo dài, ngoài giờ hành chính (đặc biệt là trong những ngày lễ, chủ nhật, công nhân lãnh lương...) trong khi đó, các chốt chặn của lực lượng chức năng hoạt động cầm chừng, thời gian hoạt động ngắn nên tính hiệu quả chưa cao. Chính quyền, địa phương xã, phường chưa cương quyết giải tỏa chợ tự phát khi mới hình thành, từ đó, lôi kéo theo nhiều hộ tiểu thương kinh doanh.

Từ thực trạng quản lý chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Sở Công Thương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm và sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ Nhất. Công tác giải tỏa chợ tự phát mua bán lấn chiếm lòng, lề đường vỉa hè trên địa bàn tỉnh cần phải thực hiện thường xuyên liên tục, đặc biệt là các điểm tập trung, họp chợ tự phát đang hoạt động với số lượng người tham gia khá nhiều cần phải giải quyết triệt để, tránh tình trạng tái lập buôn bán tự phát trên từng địa bàn.

Thứ Hai. UBND các huyện, thị xã, thành phố kiên quyết duy trì thường xuyên công tác giải tỏa các điểm chợ tự phát, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường vỉa hè nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông tại địa bàn mình.

Thứ Ba. UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét bố trí chợ tạm hợp pháp nhằm sắp xếp các hộ buôn bán tự phát này vào khu vực kinh doanh ổn định để địa phượng quản lý theo văn bản số 3940/UBND-KTN ngày 18/12/2013 về việc đồng ý cho UBND các huyện, thị xã, thành phố được quyết định địa điểm kinh doanh chợ tạm của UBND tỉnh./.                                                


Thế Phương – P QLTM

Lượt xem: 1472

Thống kê truy cập

Đang truy cập:273

Tổng truy cập: 18304343