Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO – FTA LÀ GÌ?

2023-05-25 10:49:00.0

Hiện nay, FTA – cụm từ viết tắt để nói về những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và đưa vào thực thi đã trở nên quen thuộc với không ít người Việt Nam.

FTA là từ viết tắt của cụm từ Free Trade Area, dịch ra có nghĩa là Hiệp định thương mại tự do. Đây là một hiệp ước giữa hai hay nhiều quốc gia trong đó các quốc gia thỏa thuận về các nghĩa vụ nhất định tác động đến thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, và các lĩnh vực khác.

Theo chính sách thương mại tự do, hàng hóa và dịch vụ có thể được mua và bán qua biên giới quốc tế với mức thuế rất thấp hoặc bằng 0, hạn ngạch, trợ cấp hoặc các biện pháp cấm của chính phủ là rào cản của thương mại. Nhờ có các hiệp định thương mại tự do mà các quốc gia trên thế giới có thể từng bước hình thành một thị trường buôn bán thống nhất về hàng hóa và dịch vụ.

Tùy vào từng FTA mà có những nước thành viên tham gia ký kết khác nhau. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, viết tắt RCEP. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên của ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do bao gồm Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Hiệp định này được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020 và nhằm hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký 16 FTA và đang đàm phán 2 FTA khác. Các FTA gần đây nhất mà Việt Nam tham gia là CPTPP (có hiệu lực từ 14.01.2019), EVFTA (có hiệu lực từ 01.08.2020), và UKVFTA (có hiệu lực từ tháng 01.01.2021).

FTA thế hệ mới là gì?

Thuật ngữ “FTA thế hệ mới” được sử dụng lần đầu tiên từ năm 2007 với các hiệp định thương mại tự do mà Liên minh châu Âu đã đàm phán với các đối tác thương mại của mình. Việc các thành viên của WTO thiếu đi sự đồng thuận dẫn đến sự bế tắc trong các vòng đàm phán Doha kể từ năm 2001. Đây được cho là nguyên nhân chính để thúc đẩy EU thực thi một chiến lược thương mại mới và chiến lược này chính thức được công bố từ năm 2006. Theo đó, EU cam kết phát triển và nâng cao quan hệ thương mại song phương với các đối tác. Từ đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của các nước EU trên toàn cầu. Với mục tiêu đó, vào năm 2007, EU bắt đầu khởi động các vòng đàm phán các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” với các nước là đối tác thương mại của mình như Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước ASEAN với cách tiếp cận toàn diện, gồm nhiều nội dung đổi mới về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, đầu tư, mua sắm chính phủ, hay phát triển bền vững.

Ngoài các hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác thương mại như EU-Nhật Bản, EU-ASEAN, EU-Ấn Độ, FTA EU-Hàn Quốc, … thì các hiệp định thương mại tự do được đàm phán sau đó giữa nhiều đối tác thương mại lớn như Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP), Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),… cũng áp dụng cách tiếp cận toàn diện này. Đây đều được coi là các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”.

Sự khác biệt giữa FTA truyền thống và FTA thế hệ mới

Các FTA truyền thống phân biệt với FTA thế hệ mới ở ba đặc điểm sau:

Thứ nhất, các FTA thế hệ mới bao gồm cả các nội dung “phi thương mại”. Các nội dung này trước đây do lo ngại sẽ dựng nên các rào cản đối với thương mại nên đã từng bị đưa ra khỏi các vòng đàm phán WTO. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh mới lại được quan tâm bởi nó có ảnh hưởng ngày càng lớn đến vấn đề thương mại của các quốc gia. Những vấn đề “phi thương mại” trên có thể kể đến như lao động, phát triển bền vững, môi trường, quản trị tốt, …

Thứ hai, các FTA thế hệ mới bao gồm nhiều nội dung mới hơn FTA truyền thống như mua sắm công, đầu tư, cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử, …

Thứ ba, các FTA thế hệ mới sẽ xử lý sâu sắc hơn FTA truyền thống về các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, thương mại hàng hoá, các quy tắc xuất xứ, … Chẳng hạn, so với các hiệp định WTO và các FTA truyền thống, thì FTA thế hệ mới có mức độ cam kết rộng và sâu sắc hơn, có thể cam kết cắt giảm thuế gần như là về 0% với hầu hết các hàng hoá và dịch vụ mà không có loại trừ.

Qua các điểm khác nhau kể ở trên thì trong số các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam có ba hiệp định được coi là “FTA thế hệ mới”: Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Hiệp định RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) gồm 16 nước (10 nước ASEAN và 6 nước đối tác) mặc dù "sinh sau đẻ muộn" so với CPTPP và EVFTA nhưng căn cứ theo nội hàm của nó thì cũng chưa được coi là FTA “thế hệ mới"./.

Nguồn: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Bộ Công Thương


Diệu Hằng – Phòng Quản lý Thương mại

Lượt xem: 12271

Thống kê truy cập

Đang truy cập:365

Tổng truy cập: 17929344