Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

HÀNH ĐỘNG MỚI ĐỂ BIẾN NGUY THÀNH CƠ

2022-11-25 20:03:00.0

HÀNH ĐỘNG MỚI ĐỂ BIẾN NGUY THÀNH CƠ

Đóng gói lá tía tô xuất khẩu tại trang trại của Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh Thu Hà)

Đối mặt với cuộc khủng hoảng ở quy mô toàn cầu như đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam luôn xác định tâm thế đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội và động lực để thay đổi, bứt phá. Bởi trong biến cố, nền kinh tế sẽ bộc lộ rõ những điểm yếu mà ở trạng thái bình thường chưa phát lộ, qua đó có thể tìm được giải pháp khắc chế.

Trong báo cáo đánh giá tình hình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2021 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây, có một nội dung đáng chú ý. Đó là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với nhiều thành tựu được áp dụng trong các lĩnh vực của cuộc sống nhưng sự thay đổi trong cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam diễn ra khá chậm, ít hình thành ngành nghề mới, sản phẩm mới, do đó chưa đóng góp đáng kể vào cơ cấu lại các ngành.

SỨC ÉP TÁI CƠ CẤU
CÁC NGÀNH KINH TẾ

Cuối năm 2021, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 40,95% GDP, giảm so năm 2020; khu vực nông nghiệp chiếm khoảng 12,36% GDP, tương đương năm 2020; công nghiệp-xây dựng 37,86%, tăng so năm 2020.

Theo Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM, sau đại dịch càng thấy rõ tái cơ cấu kinh tế là việc cấp thiết, mũi đột phá là tập trung tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức chống chịu gắn với đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đóng gói nông sản tại trang trại Vinamit Organic Farm, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Khưu Đạt)

Sản xuất các thiết bị tự động phục vụ trong ngành công nghiệp tại Công ty Năng Lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Thu Hà)

Đóng gói lá tía tô xuất khẩu tại trang trại của Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thu Hà)

Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty TNHH Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử)

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhận định, xu hướng ít biến động trong các ngành kinh tế kéo dài từ năm 2011 đến nay là điều rất khó hiểu. Cơ cấu mặt hàng chưa có sự thay đổi đáng kể trong khi số liệu thống kê các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp-xây dựng đều thể hiện sự thay đổi mang tính trung và dài hạn.

Nguyên nhân có thể do nền kinh tế quá cứng nhắc, không phân bổ lại nguồn lực từ ngành hiệu quả thấp sang ngành hiệu quả cao hoặc không đủ lực để chuyển sang ngành nghề mới. Cũng có thể do phương pháp thống kê chưa kịp thời cập nhật danh mục ngành nghề phù hợp với sự thay đổi rất năng động của nền kinh tế, cho nên đây là thời điểm cần nhận diện, đánh giá lại.

Theo phân tích của Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều ngành kinh tế đã có sự thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng chưa đủ lớn để hình thành xu hướng mới, làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế.

Trong thời gian bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đến gần đây, lĩnh vực nông nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp xuất khẩu cũng khai thác được lợi ích từ việc thực thi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song chưa có đột biến.

Trong khi đó, đầu vào bị ảnh hưởng nhiều từ giá nhập khẩu nguyên liệu cho nên về tổng thể lợi nhuận tích luỹ của doanh nghiệp sẽ giảm đi, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất trong dài hạn. Hơn nữa, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu bên ngoài cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng tỷ lệ ưu đãi thuế quan trong nội khối.

Nông nghiệp công nghệ cao đến nay mới chỉ điểm xuyết, chưa tạo thành một trào lưu thay đổi trong cơ cấu ngành vì vấp cơ chế, chính sách phát triển và tiếp cận vốn tín dụng. Khu vực dịch vụ, trong đó có ngành du lịch được nhận định là biến đổi nhanh và mạnh sau đại dịch, kéo theo sự sụt giảm của nhiều lĩnh vực liên quan làm ảnh hưởng sâu sắc đến thu nhập và đời sống hàng triệu lao động nhưng dự báo đến năm 2024-2025 mới phục hồi hoàn toàn.

TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia

Khi nghiên cứu và công bố 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng có những tên tuổi trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhưng vẫn chưa xuất hiện. Đây là ngành mở cửa muộn hơn so với khu vực sản xuất, có thể vì vậy mà thiếu lực đẩy cho doanh nghiệp cạnh tranh và lớn lên. Cần có báo cáo đánh giá toàn diện về tác động của cuộc khủng hoảng đối với cấu trúc ngành du lịch để có chiến lược phát triển phù hợp, hình thành doanh nghiệp lớn nhờ vào lợi thế quy mô, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam.

Khu vực sản xuất công nghiệp là lĩnh vực khiến ông Thắng lưu tâm nhất ở thời điểm hiện nay. Trong các báo cáo thường chỉ đánh giá bức tranh chung, thiếu phân tích về sự phát triển của từng khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên không thấy được bất cập thể hiện ở cấu trúc kinh tế đã được định hình là doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thường nằm ở phân khúc cuối chuỗi sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cơ bản cũng chỉ là xưởng sản xuất, ít có quyền quyết định mua nguyên liệu gì, xuất khẩu đi đâu, rất khó để liên kết với doanh nghiệp trong nước tạo thành chuỗi cung ứng như định hướng thu hút FDI mà Việt Nam theo đuổi.

Từ góc nhìn này, TS Trần Toàn Thắng cho rằng, định hướng thu hút FDI nên hướng nhiều hơn đến năng lực hấp thụ vốn, chất lượng quản lý nhà nước về lao động, môi trường.

ĐỘNG LỰC MỚI
TỪ TẦM NHÌN QUY HOẠCH

Viện dẫn khái niệm trong kinh tế học, coi “khủng hoảng là sự phá hủy có tính sáng tạo”, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, thế giới đang xuất hiện một thời kỳ kinh tế mới dựa trên không gian mới, nguồn lực mới hình thành sau đại dịch Covid-19. Trong dòng chảy đó, nền kinh tế Việt Nam phải có một chân dung khác với thực lực lớn mạnh, cấu trúc kinh tế thay đổi, có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, trình độ cao,... Quan trọng hơn, đây là giai đoạn đòi hỏi phải có tư duy, cách tiếp cận phát triển khác.

Đã có thời kỳ ngành nào cũng muốn được định hướng trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, tỉnh nào cũng muốn tăng tỷ trọng phát triển du lịch, dịch vụ trong GRDP để đạt giá trị gia tăng cao. Nhiều chiến lược ngành được xây dựng với mục tiêu phát triển rất tham vọng nhưng kết quả không như dự kiến, hoặc không tổng kết thực hiện để đánh giá, rút kinh nghiệm.

TS Trần Toàn Thắng coi cách làm này là thực hiện tác động vào nền kinh tế theo hướng hành chính hoá, rất khó đem lại hiệu quả. Phát triển một ngành kinh tế, phải định hình được ngành đó trên cơ sở phát triển của thị trường, Nhà nước chỉ có thể tác động thông qua việc dành nguồn lực, đào tạo lao động hoặc hỗ trợ hình thành một hoặc một nhóm doanh nghiệp đủ lớn, có vai trò tạo chuỗi liên kết và là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả ngành.

Khắc phục tình trạng này, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 lần đầu được triển khai thiết lập sẽ có vai trò “công binh mở đường”, tổ chức lại không gian phát triển đất nước theo một thể thống nhất, các nguồn lực được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia. Trong đó, sẽ bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực.

Chỉ ra cách làm mới về phát triển ngành nông nghiệp theo bài toán quy hoạch, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc đầu tiên phải làm là quy hoạch lại nông nghiệp ở cả 3 khâu: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Nếu đã xác định vùng trọng điểm trồng lúa với an ninh lương thực là yếu tố quyết định sự tự chủ của nền kinh tế thì các tỉnh thuần nông có thể chỉ đạt mức tăng trưởng GRDP trong nhóm thấp nhất nhưng vẫn phải được ưu tiên phân bổ vốn đầu tư từ Trung ương nhiều nhất, thay vì cách phân bổ dựa vào dân số, dựa vào mức để lại theo thu ngân sách như hiện nay. Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phải kết hợp hài hòa với công nghiệp trong bài toán chung về phát triển điện gió xa bờ, hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản để quản lý từ quy hoạch đến khai thác, bảo đảm phát triển bền vững.

Với công nghiệp hỗ trợ, cần coi đây là ngành “xương sống”, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp. Đây cũng là khu vực chính để hấp thụ khoa học-công nghệ, trình độ kỹ thuật, quản trị tiên tiến từ khối doanh nghiệp FDI, từ đó biến thành động lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước, khẳng định vững chắc hơn vị thế trong chuỗi giá trị.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên vẫn cần cải thiện ở nhiều khía cạnh. Đó là bố trí nguồn ngân sách ưu tiên cho công nghiệp hỗ trợ còn mỏng, hầu như chỉ giới hạn trong các ưu đãi thuế và trợ cấp vay vốn; việc giám sát và đánh giá chính sách công nghiệp hỗ trợ cũng cần được cải thiện.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Từ tầm nhìn quy hoạch, việc phát triển mỗi ngành kinh tế sẽ xác định đâu là đột phá, đâu là mũi nhọn để tính toán muốn tăng tỷ lệ 1% của ngành kinh tế đó trong đóng góp vào GDP cần tổng mức đầu tư bao nhiêu và phân chia các giai đoạn đầu tư, cân đối lại các nguồn lực thực hiện mục tiêu đó. Quá trình này sẽ phải chấp nhận nợ công cao, chấp nhận hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và như vậy đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới.

Việc tìm cơ hội trong khủng hoảng là vấn đề có tính chất trung và dài hạn, nhưng trước mắt lại là thời điểm khó khăn chưa từng có cho hầu hết các ngành kinh tế và cho cả cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, tình thế đang xoay chuyển rất nhanh. Ở thời điểm tháng 5/2021, doanh nghiệp còn kỳ vọng rất nhiều về việc cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn, thậm chí đưa ra và giải quyết những bài toán lớn để tạo sự bứt phá thật sự cho ngành. Nhưng giờ đây, thiếu vốn cùng với các khó khăn mang tính hệ thống về thị trường, nền tảng quản trị, công nghệ… khiến phần lớn doanh nghiệp đối diện với tình thế chông chênh để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi.

Ngay trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động thích ứng, “biến nguy thành cơ” để trở thành điểm sáng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, thế giới đã thay đổi với nhiều bất định và thách thức ở phía trước, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, hành động mới để bứt phá.


https://special.nhandan.vn

Lượt xem: 2349

Thống kê truy cập

Đang truy cập:374

Tổng truy cập: 17929180