Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hàng Việt tự tin sử dụng và ứng phó với “mưa” phòng vệ thương mại

2021-04-22 10:55:00.0

Càng hội nhập sâu doanh nghiệp càng phải đối mặt với cạnh tranh và rủi ro từ hàng rào phòng vệ thương mại. Do đó, việc sử dụng thành thạo cũng như ứng phó hiệu quả với các công cụ này được ví như “chiếc phao cứu sinh”, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua sóng gió để bơi ra biển lớn.

PVTM
Trước khi được bảo vệ bằng PVTM, ngành mía đường đã có một khoảng thời gian dài lao đao. Ảnh: TL

Kịp thời ứng phó với “mưa” phòng vệ thương mại

Theo các chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… đối với hàng xuất khẩu Việt sẽ ngày càng nhiều hơn, với tính chất phức tạp hơn. “Xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian qua và có nhiều mặt hàng xuất siêu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ… đã tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa nước ta” - ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) cho biết.

 Mỹ vẫn là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020 với 8 vụ; theo sau là Úc (7 vụ). Các nước như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Indonesia, Ai Cập… cũng gia tăng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM khác nhau đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối cán cân thương mại toàn cầu không được cải thiện, làm gia tăng mâu thuẫn về thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc từ năm 2018 đến nay vẫn chưa giảm bớt căng thẳng, đồng thời những biện pháp hạn chế thương mại mà hai bên áp dụng lẫn nhau gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới toàn thế giới.

“Trong bối cảnh đó, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM là “chìa khóa” vô cùng quan trọng để nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng hiệu quả cơ hội đến từ các FTA đã ký kết” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công thương, thời gian qua, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh, số lượng các vụ việc điều tra PVTM mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.

Thống kê cũng cho thấy, cho đến nay, Mỹ là nước áp dụng các biện pháp PVTM nhiều nhất thế giới, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ đối với nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam và các nước khác.

Theo đó, Mỹ cho rằng các nhà xuất khẩu của nước ta không bán phá giá lốp xe ô tô vào Mỹ. Trong khi đó, các nước khác bị kết luận là đã bán phá giá với biên độ khá cao, từ 14,24% đến 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% - 98,44% với Đài Loan (Trung Quốc). Điều này là rất tốt và có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Có thể nói đây là vụ việc phức tạp nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam khi lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Việt Nam “định giá thấp tiền tệ” nhằm đem lại lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Điều đáng mừng là đến nay, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp, kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản; đồng thời duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada…

Hơn nữa, có thể thấy, đến nay thay vì bất ngờ, loay hoay, bị động khi phải đối mặt với hàng rào PVTM, doanh nghiệp Việt giờ đây đã tự tin, chủ động hơn trong các tình huống này. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó và vượt qua thành công.

Sử dụng công cụ để bảo vệ thị phần trên "sân nhà"

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực ngay chính tại “sân nhà” từ việc gia tăng nhập khẩu, khi mà hàng hóa ngoại nhập tràn vào với sức cạnh tranh lớn, có nguy cơ lấn át hàng nội. Và doanh nghiệp nội cũng cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của ngành sản xuất nội địa.

Trên thực tế,  thời gian qua, công tác áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước cũng được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt đối với một số mặt hàng có ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người nông dân như mía đường, sorbitol…

Theo Cục PVTM, thời gian qua, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra hơn 20 vụ việc và áp dụng 13 biện pháp PVTM đối với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, nhôm, ván gỗ, sợi, đường... Đây đều là những mặt hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Trong đó điển hình, thuế PVTM được cho là “phao cứu sinh” đối với ngành mía đường nội địa, cứu giúp các nhà máy đang điêu đứng vì đường nhập khẩu, thậm chí hồi phục các nhà máy đã đóng cửa, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động sản xuất.

Bên cạnh đó, “Bộ Công thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước”, ông Dũng chia sẻ.

Đáng chú ý, thực hiện quyết tâm của Chính phủ không để các doanh nghiệp ngoại lợi dụng Việt Nam làm điểm trung gian nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM thông qua việc ban hành Đề án 824 (năm 2020), ngành Hải quan thời gian qua cũng đã có sự chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tăng cường công tác cảnh báo, phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp… Đồng thời, các cơ quan chức năng phối hợp tiến hành thanh kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp TVTM; phối hợp xây dựng đề xuất về khai báo xuất khẩu tự nguyện với các đối tác thương mại lớn./.


http://thoibaotaichinhvietnam.vn/

Lượt xem: 3039

Thống kê truy cập

Đang truy cập:398

Tổng truy cập: 17943550