Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Gỡ khó cho ngành thép

2021-04-22 09:21:00.0

Năm 2020, trong khi nhiều ngành hàng XK lớn mất cả tỷ USD vì dịch Covid-19 tác động trên toàn cầu, XK sản phẩm sắt, thép vẫn giữ mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, ngành thép lại đang đối mặt với những khó khăn cần được tháo gỡ.

Các vụ việc phòng vệ thương mại tăng cao

Là ngành hàng trong nhóm XK tỷ USD, thép và sản phẩm thép luôn giữ vững mức tăng trưởng ổn định, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, XK sắt và thép Việt Nam đạt 1.826 tỷ USD trong quý I/2021, tăng mạnh 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhu cầu thép nội địa trong năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm 2020, bởi nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai. Ngoài ra, với một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được thực thi, ngành thép sẽ có thêm thị trường XK mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện, ngành thép đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn như rủi ro với các vụ kiện thương mại tăng cao và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Gỡ khó cho ngành thép
Xuất khẩu sản phẩm sắt, thép vẫn giữ mức tăng trưởng dương

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương - cho biết, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM khởi xướng với hàng hóa XK của Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng.Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước điều tra 203 vụ việc PVTM đối với hàng XK và thép vẫn là sản phẩm bị điều tra nhiều nhất, chiếm gần 40% các vụ việc. Một trong những nguyên nhân là do ngành thép Việt Nam hiện đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (trong đó có Trung Quốc) nên đối với một số vụ việc, bị các nước coi là “lẩn tránh” biện pháp PVTM. Ngoài ra, giá thành thép Việt Nam đang ở mức tương đối cạnh tranh, thương hiệu thép Việt Nam tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ bị khiếu kiện PVTM.

Không chỉ liên tục hứng chịu các vụ việc điều tra nguồn gốc, xuất xứ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Trung Quốc và Mỹ, các DN thép Việt Nam còn đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng. Đại diện Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) lo ngại, thời gian tới, nếu Trung Quốc tăng mức hoàn thuế XK một số sản phẩm thép lên 13%, giá thép cán nóng có thể vọt lên 900 USD/tấn...

Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng

Theo ông Lê Triệu Dũng, việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM, trong đó có mặt hàng thép, là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề cần làm là phải tăng cường các biện pháp phòng vệ, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định về PVTM; trong đó DN cần chủ động tham gia, xử lý các vụ điều tra.

Đại diện Cục PVTM đưa ra khuyến nghị đối với DN, trong quá trình XK, phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với bạn hàng nhập khẩu, nhất là những rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu. DN cũng cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm XK, tránh quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro khi vụ việc bị áp thuế ở mức khá cao.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và hiệp hội liên quan thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, tiến hành trao đổi song phương với cơ quan cùng cấp tại các nước nhập khẩu. Đồng thời, yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO cũng như điều khoản ký kết trong FTA khi áp dụng biện pháp PVTM, góp phần hỗ trợ DN Việt Nam ứng phó kịp thời với những vụ kiện ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho DN trong nước.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại:

Mặc dù số lượng vụ việc khởi kiện PVTM hiện nay tăng nhanh nhưng tỷ lệ xử lý, ứng phó đạt kết quả tích cực cao, giúp DN Việt Nam không bị áp thuế hoặc áp thuế thấp, giảm thiểu tác động tiêu cực tới XK. Thậm chí, trong một số trường hợp, các DN còn tận dụng được mức thuế PVTM thấp để tăng trưởng XK.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 2513

Thống kê truy cập

Đang truy cập:15915

Tổng truy cập: 18229135