Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Doanh nghiệp rộn ràng sản xuất đơn hàng đến cuối năm

2021-06-28 10:42:00.0

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam khiến gián đoạn chuỗi cung ứng, song nhiều ngành sản xuất của Việt Nam vẫn đang lấy lại đà tăng trưởng cao.

Cao hơn trước khi có dịch

Cùng với nhu cầu thị trường khởi sắc sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giá các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng hơn. Chẳng hạn, tại nhóm hàng dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), năm 2020 giá trị của 100 kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh giảm 1% so với năm 2019, xuống còn 1.091,5 euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 euro. Tại nhóm hàng nông sản, giá gạo tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn (thời điểm đầu tháng 4/2021); cà phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; cao su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng tới 31,5%, đạt bình quân 2.879 USD/tấn…

Doanh nghiệp rộn ràng sản xuất đơn hàng đến cuối năm
Nhiều doanh nghiệp có lượng đơn hàng cao nhờ tìm được chiến lược kinh doanh phù hợp. Ảnh: H.Dịu

Giá cả tăng, đơn hàng dồi dào đã giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Chia sẻ về nguyên nhân đơn hàng tăng, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May 10 cho hay, năm 2020, nhiều chuyên gia dự đoán tình hình đơn hàng năm 2021 có thể không tốt, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 3. Điều này có được một phần là nhờ doanh nghiệp có chiến lược nhập đơn hàng từ quý 4/2020 cho năm 2021 với mức giá hợp lý. Doanh nghiệp cũng chấp nhận các đơn hàng không phải mặt hàng truyền thống, do sản phẩm chủ lực của May 10 là sơ mi và veston, nhưng hiện mặt hàng veston chưa phục hồi như trước nên đã nhận đơn hàng sản xuất các sản phẩm khác. Đặc biệt, các thị trường cạnh tranh như Myanmar, Campuchia, Bangledesh, Ấn Độ… hiện chịu bất ổn về chính trị hoặc chưa có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, nên khách hàng đã chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam trong ngắn hạn.

Tương tự, với ngành gỗ, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cũng cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đơn hàng đến quý 3, một số ít đã đạt đến cuối năm, thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết mức độ tăng trưởng tốt hơn ngay cả khi so sánh với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Công ty Cổ phần Lilama18 cho biết đã xuất khẩu nhiều đơn hàng lớn đi các nước trên thế giới. Năm 2020, nhiều dự án phải tạm hoãn do tình hình dịch Covid-19, nhưng sang 2021, kinh tế từng bước phục hồi nên Lilama18 đã khởi động trở lại nhiều dự án như: Dự án chế tạo cẩu xuất đi Ấn Độ của khách hàng KOCKS ARDELT, Dự án chế tạo cẩu xuất đi Hungary… Lilama18 cũng cho hay đã đàm phán ký kết một số đơn hàng trong đó nổi bật là đơn hàng gia công vỏ lò cao xuất đi Ukraine với khách hàng Danieli Corus Hà Lan …

Tận dụng cơ hội từ FTA

Việc các doanh nghiệp có được lượng đơn hàng dồi dào là tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi, nhưng làm thế nào để duy trì và tiếp tục phát huy lại là vấn đề cần được chú trọng trong thời gian tới.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, những doanh nghiệp đã tham gia và đảm bảo được tiêu chuẩn đặt ra trong chuỗi cung ứng quốc tế vẫn sẽ có được đơn hàng của đối tác. Nhưng để đảm bảo lượng đơn hàng này trong dài hạn, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp khi đạt được quy chuẩn đó, không chỉ thị trường trong nước mà ngay tại nước ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều trong tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các FTA. Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng trong các lựa chọn của doanh nghiệp Canada khi tìm nguồn cung hàng hóa và địa điểm sản xuất, nhất là sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Việc tham gia CPTPP cũng khiến các doanh nghiệp Canada tin tưởng hơn đối với hàng hóa của Việt Nam khi hai quốc gia cùng theo nguyên tắc chung. Vì thế, bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt những ưu đãi trong khuôn khổ của CPTPP, đặc biệt là những ưu đãi thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh luôn hiện hữu và luôn sẵn sàng tác động mạnh tới tình hình mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tháng 6, báo cáo chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do IHS Markit công bố cho thấy, đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Việt Nam đã làm giảm PMI xuống 53,1 điểm trong tháng 5/2021, từ mức 54,7 điểm của tháng trước đó… Dù sản lượng vẫn tăng, nhưng mức tăng đã chậm lại đáng kể và thành mức thấp trong 3 tháng qua. Đặc biệt, báo cáo cho rằng, tình trạng thiếu hụt nhân công góp phần làm lượng công việc tồn đọng tăng gần bằng mức kỷ lục khi các công ty phải chật vật đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới.

Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn nhưng sự khởi sắc trong kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa vẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng hơn vào sự phục hồi kinh tế. Điều quan trọng các cơ quan chức năng cũng cần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ là các biện pháp hỗ trợ mà phải đặt ra các giải pháp dài hơi, tạo nền tảng cho các ngành sản xuất phát triển, thu hút đối tác.


https://congthuong.vn

Lượt xem: 4000

Thống kê truy cập

Đang truy cập:382

Tổng truy cập: 17950276