Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Doanh nghiệp dệt may: Thay đổi để thích ứng

2021-03-01 09:05:00.0

Để tăng “sức đề kháng” trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã thay đổi chiến lược phát triển, chuyển đổi phương thức kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Lo đói dòng tiền

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vẫn đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao từ 9,3 đến 35,6%. Kết quả đó cho thấy, tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành trong năm mới và hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD vào cuối năm.

Tuy nhiên, điều khiến các DN không khỏi lo lắng là tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu không sớm kiểm soát được dịch sẽ tác động rất lớn đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh do bị “đói” dòng tiền, sản phẩm sản xuất không có đầu ra...

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) - Nguyễn Xuân Dương - cho rằng, các DN dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhất là về nguồn hàng để bảo đảm việc làm, duy trì hoạt động sản xuất, bởi không còn những đơn hàng cũ, nguồn tiền dự phòng giảm dần.

Đánh giá về khó khăn của ngành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Lê Tiến Trường - khẳng định, năm nay, giá gia công sẽ giảm sâu, xu hướng hàng hóa đơn giản thay thế hàng thời trang dẫn tới năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt...

Doanh nghiệp dệt may: Thay đổi để thích ứng

Tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vẫn đạt khoảng 2,6 tỷ USD

Thay đổi chiến lược

Để trụ vững, thích ứng trước những biến động của thị trường, biến thách thức thành cơ hội, nhiều DN đã linh hoạt thay đổi chiến lược, phương thức kinh doanh.

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường xuất khẩu bị “đông cứng”, các đơn hàng bị hủy, giãn tiến độ giao hàng. Trước tình hình đó, May 10 đã đưa ra chiến lược sản xuất các đơn hàng có lợi thế cạnh tranh như: Khẩu trang vải, khẩu trang y tế, bộ quần áo phòng, chống dịch, hàng dệt kim cùng các đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị cao và thời gian sản xuất ngắn. Tổng công ty đang tập trung vào công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch, sản xuất các đơn hàng mới, khó. “Để hoàn thành mục tiêu, May 10 sẽ tập trung nghiên cứu thị trường, lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp nguồn lực thiết bị, tay nghề công nhân, tăng năng suất lao động...” - ông Việt chia sẻ.

Do có sự chủ động sớm hơn, đến nay, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý I/2021 và bắt đầu nhận đơn cho quý II/2021. Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT công ty - cho hay, năm 2021, Thành Công sẽ khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long), với năng lực dự kiến 12 triệu sản phẩm/năm và doanh thu từ thị trường EU dự kiến tăng 2 con số. Với việc sở hữu quy trình sản xuất khép kín từ sợi, dệt, nhuộm và may, Thành Công hoàn toàn hưởng lợi thế về thuế suất theo quy định của EVFTA và CPTPP.

Còn với May Nhà Bè là tiếp tục duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động tại Nhà máy may Hậu Giang, Đức Linh, Sóc Trăng; đồng thời, tiếp tục chiến lược đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Muốn hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD đề ra trong năm 2021, DN phải thay đổi chiến lược phát triển, đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi phương thức kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

https://congthuong.vn/

Lượt xem: 5277

Thống kê truy cập

Đang truy cập:476

Tổng truy cập: 17928764