Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Đón "sóng" dịch chuyển đầu tư

2020-11-23 22:45:00.0

Để đón "sóng" dịch chuyển đầu tư, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đang nỗ lực tự "làm mới" để có cơ hội tham gia cung ứng nguyên, phụ liệu cho chuỗi sản xuất toàn cầu.

Hàng loạt nhà sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối quốc tế như Panasonic, Bosch, TTI, Samsung, Klaus, TTI... đang có nhu cầu tìm thêm nhà cung cấp, tăng tỷ lệ nội địa hóa để chủ động hơn và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, sau khi Việt Nam đã khống chế dịch Covid-19 thành công, nhiều DN FDI của Mỹ và châu Âu do bị gián đoạn nguồn cung ứng từ các nước nên đã tìm kiếm DN cung cấp linh phụ kiện trong nước để thay thế.

Việt Nam khẳng định vị thế tại APEC

DN cần đầu tư công nghệ hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Trước làn sóng đó, một số DN Việt Nam đã nỗ lực thay đổi để nâng cao năng lực trong cuộc chạy đua trở thành nhà cung ứng (vendor) cho các tập đoàn lớn. Điển hình như, trong hai năm 2019-2020, có tới 3 công ty thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đã thực hiện các chương trình tư vấn cải tiến phát triển CNHT của Bộ Công Thương và Samsung. Đây là động thái được đánh giá rất tích cực, nghiêm túc trong việc phát triển CNHT của tập đoàn này. Mục tiêu dài hạn của APH là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, phát triển mảng sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, mở rộng đầu tư, tiến sâu và nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đinh Xuân Cường - Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn APH - chia sẻ: Trong vấn đề nội địa hóa, chúng tôi đã và sẽ nỗ lực tăng số lượng, hàm lượng chất xám Việt Nam trong các sản phẩm linh kiện để cung cấp cho những chiếc điện thoại, ôtô, xe máy, máy in, máy giặt… vốn đòi hỏi sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng vào nguồn vốn, công nghệ và con người.

"Về công nghệ, chúng tôi tự hào là DN đi đầu của tỉnh Hải Dương trong vấn đề hiện đại hóa sản xuất. Hệ thống cơ sở vật chất luôn được đầu tư hiện đại và tối tân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong thực tế, các dây chuyền sản xuất khuôn mẫu, linh kiện điện thoại, máy in… của chúng tôi tại tỉnh Hải Dương luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế" - ông Đinh Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng là DN trong lĩnh vực CNHT, ông Đào Duy Luận - Phó giám đốc Công ty Systech Technology & Trading JSC - cho hay: Hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều công ty trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn lớn như: Samsung, LG, Canon, Meiko, Brother, Nidec… Chất lượng sản phẩm đảm bảo và giá thành tốt sẽ là yếu tố các DN này đặt lên hàng đầu và quyết định mối quan hệ hợp tác lâu dài. Do đó, việc đầu tư dây chuyền công nghệ rất quan trọng, máy móc làm ra các linh kiện phải hiện đại, tự động hóa cao. Nhờ sự đầu tư nghiêm túc, hiện chúng tôi đã cung cấp linh kiện cho khoảng 300 khách hàng là các DN FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó khách hàng lớn là Sam Sung, Canon, Brother.

Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, CNHT đang là "mảnh đất" hút vốn đầu tư. Theo số liệu của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2020, thu hút đầu tư vào các ngành CNHT của thành phố này có 23 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư gần 141 triệu USD, trong đó, có 17 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 135 triệu USD.

Sức hút của CNHT còn hấp dẫn ngay các DN FDI. Tiêu biểu, trong số các dự án FDI được tỉnh Bình Dương cấp phép từ đầu năm đến nay, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực CNHT có vốn đầu tư khá lớn, như: Dự án sản xuất sản phẩm từ hợp kim nhôm của Công ty Ever Giant International Private Limited (Singapore), vốn đăng ký 20 triệu USD; dự án của Công ty Sung Shin Tech Limited (Singapore), vốn đăng ký 30 triệu USD… Các dự án CNHT thuộc các ngành như: Điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất… được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Như vậy, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như cạnh tranh với các DN FDI trong lĩnh vực CNHT thời gian tới, buộc các DN trong nước cần phải nỗ lực nhiều hơn. Bà Lê Bích Loan - Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) - cho biết, nhiều DN ở SHTP đã nhận được đề nghị của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng trở thành nhà cung ứng. Đây là cơ hội lớn chưa từng có của các nhà cung cấp Việt Nam. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực của từng DN để nắm bắt cơ hội này. Với năng lực tài chính, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, nhân lực như hiện tại, chưa có nhiều DN Việt đủ khả năng lẫn điều kiện nắm bắt ngay cơ hội. "Mặc dù vậy, nếu DN có quyết tâm, cố gắng và nền tảng cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và sự đồng hành hỗ trợ của nhà mua hàng, họ sẽ dần chạm đến mục tiêu" - bà Lê Bích Loan nhấn mạnh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, đặt mục tiêu khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, dòng chuyển dịch đầu tư là cơ hội cho Việt Nam nên việc cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cần được các DN CNHT duy trì thường xuyên.

Nguồn: https://congthuong.vn/

Lượt xem: 768

Thống kê truy cập

Đang truy cập:67

Tổng truy cập: 17928323