Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Công nhân lao động Việt Nam: Thiếu chứng chỉ nghề, yếu kỹ năng mềm

2022-06-17 11:25:00.0

Mặc dù 70% công nhân lao động ở nước ta được đào tạo nhưng chỉ 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. Điều đáng nói, số lao động có kỹ năng mềm rất ít.

Kỹ năng mềm yếu

Việt Nam có gần 100 triệu dân, trong đó khoảng 55 triệu công nhân lao động, song chia sẻ tại buổi đối thoại với công nhân lao động diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội - ông Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện nay, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 70%, nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. “So sánh trong khu vực ASEAN, chúng ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ đào tạo nghề thấp”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Công nhân lao động Việt Nam: Thiếu chứng chỉ nghề, yếu kỹ năng mềm
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ công nhân lao động được đào tạo nghề thấp

Các chuyên gia lao động đặc biệt quan ngại khi kỹ thuật, kỹ năng hành vi, kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu, như kỹ năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, khả năng linh hoạt ứng phó tình huống, tính kỷ luật....

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài đã phàn nàn về sự thiếu hụt kỹ năng mềm của người lao động hiện nay, như lao động Việt Nam thường nói quá to, sử dụng từ ngữ tự do, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động và môi trường làm việc chung... Thực tế này đã dẫn đến những trường hợp xung đột quan hệ lao động đáng tiếc xảy ra.

Giới chuyên gia cho rằng, kỹ năng mềm quyết định tới 75% sự thành đạt. Một trong những kỹ năng mềm quan trọng, cần thiết nhất là giao tiếp. Đây là quá trình làm cho người khác hiểu ý của mình, là quá trình tạo dựng mối quan hệ tốt với đối tác, góp phần vào sự thành công của cá nhân.

Ở khía cạnh khác, nhiều lao động Việt Nam trình độ ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, khả năng sáng tạo... rất hạn chế so với lao động các nước trong khu vực ASEAN.

Trong khi đó, năng lực của cơ sở giáo dục nghề nghiệp hạn chế; điều kiện đảm bảo chất lượng thấp… khiến việc tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm - con số quá thấp so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự chênh lệch và thiếu hụt như vậy khiến cung - cầu lao động khó gặp được nhau.

Sức ép đào tạo nghề

Tổ chức Lao động thế giới dự báo, tới năm 2026, thế giới sẽ có khoảng 40% người lao động không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại, vì phải thay thế bằng công nghệ mới; 30% người lao động buộc phải chuyển nghề. Điều này đang tạo sức ép lớn cho người lao động.

Thực tế này được phần lớn công nhân lao động ý thức được, tuy nhiên, sức ép công việc, điều kiện làm việc, kinh tế… đang tạo áp lực cho họ.

Chia sẻ vấn đề này, anh Bùi Văn Trường - Công ty TNHH Luxshare - ICT, tỉnh Bắc Giang - đưa ý kiến: “Chúng tôi đều mong muốn có tay nghề vững để có thể có thu nhập cao, đời sống ổn định, đóng góp nhiều cho doanh nghiệp, đất nước. Nhưng hiện nay, việc học nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của nhiều công nhân rất khó khăn, vì điều kiện thời gian, kinh phí, quãng đường từ nơi làm việc đến chỗ học...”.

Ý kiến của anh Bùi Văn Trường được đánh giá là đòi hỏi chính đáng của người lao động. Bởi, bất cứ quốc gia nào, công việc nào cũng cần phải phát triển sản xuất kinh doanh từ đó mới có công ăn việc làm, mới giải quyết được lao động; phải nâng cao năng suất, chất lượng việc làm của mình lên. Muốn như vậy phải có đào tạo nâng cao tay nghề.

Song để làm được, ngoài nỗ lực của công nhân phải có vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan liên quan, đặc biệt trong việc dành nguồn lực đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị trước cho 5-10 năm tới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Xác định đào tạo nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của quốc gia để phát triển nhanh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 với những giải pháp quan trọng, như: Đào tạo nhanh, phân luồng học sinh cấp 2, 3, những học sinh không có nhu cầu, không có điều kiện để học lên cao nhanh và ngay thì cho các em rẽ ngang, vừa học nghề, vừa học văn hóa; tiến hành đào tạo mới lực lượng lao động; đào tạo chất lượng cao...

Theo đó, tới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Việc làm trên tinh thần xác định những ngành nghề nào, lĩnh vực nào bắt buộc doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải sử dụng lao động có chuyên môn, nếu không có chuyên môn thì phải phối hợp với Nhà nước, cá nhân để đào tạo trước khi vào làm việc. Có những lực lượng lao động phải quy định vào làm việc bao lâu phải đào tạo lại.

Như vậy, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như công nhân phải nỗ lực, quản lý nhà nước phải có chính sách, cơ chế, tổ chức thực hiện thật tốt; các địa phương phải vào cuộc; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phải vào cuộc để giải quyết bài toán tổng thể này căn cơ, bài bản, từng bước chắc chắn và có hiệu quả.

Trong chương trình bố trí vốn đầu tư trung hạn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã bàn bạc với các bộ, ngành liên quan dành 2.000 tỷ cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân.

https://congthuong.vn/

Lượt xem: 3440

Thống kê truy cập

Đang truy cập:519

Tổng truy cập: 17937539