Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Công nghiệp hỗ trợ: Nhiều cơ hội hút đầu tư

2013-05-13 16:07:00.0

Việt Nam đang có nhiều cơ hội hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Điều này càng hấp dẫn hơn khi một loạt các dự án tỷ đô đang đổ vào Việt Nam.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Điều này càng hấp dẫn hơn khi một loạt các dự án tỷ đô đang đổ vào Việt Nam.

Có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, Honda Việt Nam khánh thành nhà máy thứ nhất tháng 3 năm 1998 tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Đây là minh chứng cho ý định đầu tư nghiêm túc và lâu dài của Honda taị thị trường Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Honda Việt Nam rơi vào khoảng 93-97%. Để đạt được tỷ lệ này, tại Việt Nam có 150 DN hỗ trợ với khoảng 1 triệu lao động đang hoạt động để cung cấp linh kiện cho Honda. Xuất hiện tại Việt Nam sau Honda khá lâu là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh từ năm 2008. Nguyên vật liệu, linh kiện sản xuất của SEV được mua từ 53 nhà cung cấp là các công ty vệ tinh của SEV tại Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2015, SEV sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40-60%. Để đạt được tỷ lệ này, SEV sẽ thu hút từ 150-200 DN vệ tinh, và sau năm 2015 sẽ thu hút khoảng 300 DN vệ tinh, với tổng vốn đăng ký của các DN này ước đạt 1-1,2 tỷ USD.

Từ câu chuyện của Honda Việt Nam và SEV cho thấy cơ hội hút vốn đầu tư vào lĩnh vực CNHT tại Việt Nam đang rất lớn. Nhất là khi SEV đang có ý định tăng vốn đầu tư tại nhà máy ở Bắc Ninh lên 2,5 tỷ USD thay cho 1,5 tỷ USD. Điều đó cũng có nghĩa, để đạt được 60% tỷ lệ nội địa hóa, số lượng các công ty vệ tinh phục vụ cho SEV không chỉ dừng lại ở 300 DN với tổng vốn đầu tư 1-1,2 tỷ USD nữa mà có thể lớn hơn rất nhiều.

Ngoài Samsung, tại tỉnh Bắc Ninh cũng còn rất nhiều các dự án của các tập đoàn lớn như Nokia, Canon, Foxconn, Sumitomo… các dự án này cũng đang có nhu cầu lớn về sản phẩm hỗ trợ. Để đáp ứng nhu cầu về CNHT của các DN trong tỉnh, Bắc Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Trong đó, chú trọng nhiều đến các chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là các dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho các ngành điện tử, và các dự án sản xuất sản phẩm hỗ trợ sử dụng công nghệ cao, sản xuất các linh, phụ kiện, các chi tiết đặc thù. Tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong quá trình đầu tư, nhằm tạo lập môi trường để ngành CNHT đổ bộ vào Bắc Ninh.

Cơ hội thu hút đầu tư vào ngành CNHT càng trở nên rộng mở hơn khi mà gần đây có rất nhiều các dự án FDI lớn đã và đang lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, tổ hợp dự án Samsung có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên thành 3,2 tỷ USD đang đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên là một ví dụ điển hình. Theo dự kiến của các chuyên gia, nếu tổ hợp dự án này đi vào hoạt động sẽ cần đến vài trăm công ty vệ tinh cung cấp linh kiện. Đó cũng là lý do tỉnh Thái Nguyên đang dành sự “ưu tiên” thu hút vào lĩnh vực CNHT.

Theo ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Hà Nội, hiện tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam mới đạt 28%, trong khi đó ở Indonesia là 43%, Thái Lan 53%, Trung Quốc 61%.

Để tăng tỷ lệ nội địa hóa, những năm qua Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách tạo điều kiện cho CNHT phát triển như: Quyết định 34/2007/QĐ-BCN về kế hoạch tổng thể của CNHT; Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về khái niệm CNHT; Quyết định 1483/2011/QĐ-TTg về Xác định các ngành và sản phẩm CNHT; Thông tư 96/2011/TT-BCT về Chính sách khuyến khích phát triển CNHT; Công văn 9734/BCT-CNNg về Thủ tục đăng ký chính sách khuyến khích phát triển CNHT và thẩm quyền chấp thuận áp dụng các biện pháp khuyến khích… Những văn bản này ít nhiều cũng tạo tiền đề, mở ra cơ hội để Việt Nam hút đầu vốn vào lĩnh vực CNHT./.


Lượt xem: 412

Thống kê truy cập

Đang truy cập:425

Tổng truy cập: 17947485