Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6

2023-06-01 20:39:00.0

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6

Quy định mới về cách tính giá điện cho người thuê nhà, thủ tục hành chính được trả kết quả online, siết bán hàng đa cấp, là các chính sách được thực thi từ tháng 6.

Đổi cách tính giá điện sinh hoạt với người thuê nhà

Thông tư 9/2023 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ 15/6 quy định giá điện áp dụng với sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải hộ gia đình). Nếu hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và người thuê có đăng ký tạm trú, thường trú, chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện.

Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3, từ 101 đến 200 kWh (giá 2.074 đồng/kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo tại công tơ. Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện. Bốn người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Công nhân Điện lực TP HCM sửa chữa đường dây 22kV tại khu chế xuất Tân Thuận, tháng 9/2019. Ảnh: Thành Nguyễn

Công nhân Điện lực TP HCM sửa chữa đường dây 22kV tại khu chế xuất Tân Thuận, tháng 9/2019. Ảnh: Thành Nguyễn

Bên bán điện được phép yêu cầu bên mua điện cung cấp thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện để làm căn cứ xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện. Giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 4/5 dao động 1.728-3.015 đồng một kWh tùy bậc thang. Cụ thể:

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6 - 1

Thủ tục hành chính được cung cấp bản điện tử

 

Theo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ, từ ngày 1/6, bộ ngành, địa phương thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của bộ phận "một cửa" cấp xã, trừ vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sẽ được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng trong tháng 6, Bộ Công an phải xác thực đồng bộ dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Người dân Hà Nội làm thủ tục tư pháp, thủ tục hành chính tại quận Hà Đông. Ảnh: Ngọc Thành

Người dân Hà Nội làm thủ tục tư pháp, thủ tục hành chính tại quận Hà Đông. Ảnh: Ngọc Thành

Siết chặt quy định về bán hàng đa cấp

Nghị định số 18/2023 hiệu lực từ ngày 20/6 bổ sung một số điều cho Nghị định 40/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng, không phải là người tham gia bán hàng đa cấp.

Quy định này nhằm thúc đẩy bán hàng đa cấp phát triển đúng bản chất của hoạt động phân phối bán lẻ, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thay vì chỉ tiêu dùng trong nội bộ hệ thống người tham gia.

Nghị định cũng bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với tổ chức đăng ký là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông. Tất cả trường hợp này phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu ba năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều kiện này giúp sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi vào thị trường Việt Nam, giảm nguy cơ lừa đảo trên quy mô lớn.

Nghị định cũng bổ sung một trường hợp không được bán hàng đa cấp gồm người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam được cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp. Quy định cũ chỉ quy định người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam. Ngoài ra, người đang chấp hành hình phạt tù; có tiền án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, cán bộ, công chức... không được bán hàng đa cấp.

TP HCM tăng phí làm hồ sơ nhà đất

Có hiệu lực từ 1/6, Nghị quyết về mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP HCM, trong đó mức phí giao dịch đảm bảo khi cá nhân, tổ chức làm hồ sơ thế chấp, xóa thế chấp, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều tăng. Hồ sơ cấp mới, đổi, cấp lại trước đây do thành phố bù ngân sách thì từ nay bị thu phí.

Tùy loại giao dịch, mức tăng phí sẽ khác nhau. Trong đó, mức tăng thấp nhất là 1,26-1,7 lần với nhóm thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mức tăng cao nhất 90 lần với thủ tục xóa đăng ký giao dịch đảm bảo của tổ chức. Cụ thể, mức thu giao dịch đảm bảo đối với hồ sơ cá nhân từ 80.000 đồng (thế chấp) và 20.000 đồng (xóa thế chấp) sẽ tăng lên 630.000-900.000 đồng. Đối với tổ chức, mức phí mới là 1,5-1,8 triệu đồng mỗi hồ sơ.

Với phí thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại chuyển nhượng hồ sơ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư hiện là 650.000-950.000 đồng sẽ tăng lên 820.000 đồng-1,4 triệu đồng. Hồ sơ của tổ chức, cơ sở tôn giáo từ 900.000 đồng đến 1,65 triệu đồng sẽ tăng 1,6-2,3 triệu đồng. Đối với loại cấp mới, đổi, cấp lại hiện không thu do ngân sách bù, thành phố sẽ thu 650.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi hồ sơ.

Theo UBND TP HCM, việc tăng phí căn cứ theo chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quy định để đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Chi phí này bao gồm các khoản: nhân công, vật liệu, dụng cụ, thiết bị, quản lý và kiểm tra nghiệm thu, thuê đất, ngân hàng (về thu phí qua thẻ). Các loại phí trên được miễn đối với trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng.


https://vnexpress.net/

Lượt xem: 4143

Thống kê truy cập

Đang truy cập:363

Tổng truy cập: 17932390