Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016

2021-11-30 07:54:00.0

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng của năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với cùng giai đoạn năm trước, theo Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê cho biết đây là mức tăng CPI bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016. Trước đó, tốc độ tăng CPI trưởng bình quân 11 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là 2,47%, 3,61%, 3,59%, 2,57%, 3,51%.

Giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng của năm 2021 giảm 0,52% so với cùng giai đoạn năm trước. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ.

Lý giải kết quả, cơ quan này cho rằng mức tăng thấp của CPI từ đầu năm và giá cả hàng hóa, thực phẩm hạ nhiệt gần đây nhờ việc nối lại các chuỗi ứng ứng sau giai đoạn giãn cách.

Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng giảm 0,52% so với cùng giai đoạn năm trước, làm CPI giảm 0,11 điểm phần trăm. Trong đó giá thịt lợn giảm 9,62%; giá thịt gà giảm 0,51%.

Ngoài ra, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại kỳ hóa đơn tháng 8, tháng 9-2021.

Điều này khiến giá điện sinh hoạt bình quân 11 tháng năm 2021 giảm 1,06% so với cùng giai đoạn năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm, theo Tổng cục Thống kê.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến người dân hạn chế đi lại, làm giá vé máy bay và giá du lịch trọn gói 11 tháng giảm lần lượt 21,39% và 2,42% so với cùng giai đoạn năm trước.

Ở chiều ngược lại, giá nhiên liệu và hàng hóa cơ bản trên thế giới đang trong xu hướng tăng cũng tạo áp lực lên CPI. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ 2020.

Theo đại diện một số Bộ, lạm phát vẫn là một trong những nguy cơ của năm tới.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2022, qua đó giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Nhưng xu hướng này sẽ tạo áp lực rất lớn với chỉ số lạm phát.

“Chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cũng cao lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu sang các nước”, ông Hải nói tại họp báo Chính phủ tháng 10-2021.

Tương tự, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) – cho biết một trong những khó khăn với kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là áp lực lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10-2021 tại Mỹ tăng 6,2% so với năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 1990. Tương tự, Hàn Quốc lần đầu ghi nhận lạm phát vượt mức 3% kể từ năm 2012.

Tại châu Âu, giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tháng 9 của khu vực sử dụng đồng euro lên cao nhất trong 13 năm.

“Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì khó tránh ảnh hưởng”, ông Phương nói với báo chí cách đây ít ngày.

Theo ông Phương, về phía cung nền kinh tế sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát do giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao. Về phía cầu, sản phẩm sản xuất ra không đủ để đáp ứng nhu cầu người dân khiến tầng lớp có thu nhập cao sẵn sàng trả giá cao để có được sản phẩm mong muốn, qua đó đẩy mặt bằng giá lên cao.

Hiện tượng này, theo ông Phương, được gọi là “cầu kéo”.

“Cốt lõi là phải đẩy năng suất sản xuất lên cao để hạn chế cầu kéo. Còn với lạm phát thế giới thì khó khắc phục vì họ sẵn sàng bán cho đối tác khác với giá cao hơn”, ông Phương phân tích.

 

https://thesaigontimes.vn/

Lượt xem: 5703

Thống kê truy cập

Đang truy cập:388

Tổng truy cập: 17932142