Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bình ổn thị trường

2021-02-22 09:09:00.0

Từ ngày 25-11-2020 đến ngày 11-2-2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Dương đã kiểm tra và xử lý 176 vụ vi phạm về thương mại, với tổng số tiền xử phạt gần 1,35 tỷ đồng.

Tình trạng lợi dụng dịp tết để nâng giá bán đã gây bức xúc cho người tiêu dùng, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Trong ảnh: Mua bán tại chợ hàng bông Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một)

Xử lý nghiêm vi phạm

Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 25-11-2020 đến 11-2-2021), Cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra 212 vụ, xử lý 176 vụ vi phạm về các lĩnh vực thương mại. Trong đó, xử lý nhiều nhất là các vi phạm về an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh, nhãn hàng hóa, kế đến là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả… xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, niêm yết giá. Qua đó đã phạt vi phạm với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách gần 1,35 tỷ đồng

Ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết nhìn chung do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa tại một số địa bàn nên sức mua hàng hóa Tết Nguyên đán có giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá hàng hóa tương đối ổn định, tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, nguồn cung khá dồi dào và thực hiện tốt chương trình bình ổn giá nên không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên khâu lưu thông vẫn còn diễn ra. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại nhập lậu không có hóa đơn chứng từ, quần áo, giày dép, túi xách không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Theo đó, Cục QLTT tỉnh đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh thương mại, vận chuyển hàng hóa của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn; phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm.

Dịch vụ ăn uống tăng giá

Theo đánh giá của Sở Tài chính, nhu cầu trong những ngày sau tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống. Giá các mặt hàng nêu trên được bán ở mức khá cao trong 2 - 3 ngày giáp tết và vài ngày đầu sau tết, sau đó lại giảm khi nguồn cung tăng dần. Theo tiểu thương tại các chợ, hiện nay, giá rau xanh củ quả, cá, thịt heo đã giảm và nguồn cung dồi dào. Hiện giá thịt heo bán lẻ tại các chợ giảm nhẹ, trung bình 2.000 đồng/kg. Trong đó, ba rọi rút sườn, sườn non duy trì ở mức 230.000 - 240.000 đồng/kg, bò phi-lê 280.000 đồng/kg; gà tam hoàng làm sẵn nguyên con 68.000 - 70.000 đồng/kg.

Trong dịp Tết Nguyên đán, giá các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống đều leo thang. Tuy vậy, đến nay, hơn 10 ngày sau tết thị trường thực phẩm đã hạ nhiệt, nhưng dịch vụ ăn uống vẫn còn neo giữ giá, với mức giá tăng từ 5 - 10% so với bình thường. Khảo sát ở nhiều cửa hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh cho thấy mức giá phổ biến cho một dĩa cơm sườn, tô phở, bún bò, bún thịt nướng… đã tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng so với thời điểm trước tết. Tình trạng nâng giá sau tết đang rất phổ biến, rất cần được chấn chỉnh kịp thời.

Chị Nguyễn Ngọc Châu, ngụ khu dân cư Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết trong tết giá thịt bò phi-lê tăng 10.000 đồng/kg nhưng đến nay khi hết tết mỗi tô bún bò lại tăng 5.000 đồng; bún thịt nướng, cơm tấm cũng tăng với mức tương tự. Còn ổ bánh mì 20.000 đồng, giá không tăng nhưng nhân thịt, chả lụa cũng bị bớt đi một phần. “Giá rau củ quả, thịt, trứng, cá ở chuồng trại giảm nhưng ra quán xá thì lại không thấy giảm, thậm chí tiểu thương còn tăng giá. Việc lợi dụng vào chữ tết để nâng giá hàng hóa và nhiều loại dịch vụ là hết sức bất hợp lý, người tiêu dùng chịu thiệt”, chị Châu than thở.

Theo ông Trần Văn Tùng, lực lượng QLTT vẫn thường xuyên phối hợp với các ngành kiểm tra việc bình ổn giá nhiều mặt hàng của các đơn vị, cá nhân, các cửa hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, giá cả nhảy múa sau tết, đặc biệt là ở các khu vực cạnh đình, chùa, chợ nhỏ, chợ tạm và nhiều quán ăn hiện nay còn rất khó kiểm soát. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm chấn chỉnh tình trạng bán vượt quá giá quy định nhằm bình ổn thị trường, đồng thời buộc các tiểu thương phải niêm yết giá bán tránh tình trạng mỗi nơi mỗi giá làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời, cần phải có chiến dịch người tiêu dùng tẩy chay với những điểm bán vin vào tết nâng giá bất hợp lý.


http://m.baobinhduong.vn/

Lượt xem: 2568

Thống kê truy cập

Đang truy cập:400

Tổng truy cập: 18345794