Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Cần nhiều hơn những phiên chợ hàng Việt

2020-12-01 10:44:00.0

Việc tổ chức đưa hàng Việt đến với người lao động (NLĐ) không chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước mà các doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng (NTD) cần nỗ lực phối hợp để cùng nhau tiếp sức DN Việt, đồng thời ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ đang có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt ở huyện Bắc Tân Uyên

Xây dựng thói quen sử dụng

Liên đoàn Lao động tỉnh, công đoàn cở sở, ngành công thương và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm tới việc đưa hàng Việt đến với NLĐ. Đặc biệt, trong những năm gần đây nhiều nhà bán lẻ đã kết hợp với các tổ chức công đoàn cơ sở tăng cường phân phối hàng Việt thông qua các chương trình, hoạt động dành cho công nhân lao động. Được trực tiếp tham gia vào các hoạt động dành cho NLĐ của công đoàn các cấp, chúng tôi thấy được niềm vui của đại đa số NLĐ khi vừa được vui chơi vừa được mua hàng với giá cả phù hợp. Hơn nữa, hiện nay NLĐ đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh cũng đã có cái nhìn tích cực hơn về hàng Việt. Rất nhiều NLĐ đã thay đổi thói quen, chú trọng sử dụng hàng Việt phục vụ nhu cầu cho sinh hoạt gia đình hàng ngày.

Anh Trần Trung Tuyến, công nhân Công ty TNHH GreenVina (phường Bình Hòa, TP.Thuận An), chia sẻ: “Thời gian gần đây, gia đình tôi được biết và tham gia nhiều hoạt động giới thiệu hàng Việt của công ty, cũng như các ban ngành với giá cả phải chăng, nhất là nhu yếu phẩm sinh hoạt. Được tuyên truyền, quảng bá, gia đình tôi dần sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên phần nào yên tâm hơn, người Việt cũng nên dùng hàng Việt”.

Mới đây, Công đoàn ngành Dệt may tỉnh vừa tổ chức ngày hội đoàn viên kết hợp với các DN bán các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của NLĐ. Tại ngày hội, Công đoàn ngành Dệt may đã phối hợp mở 8 gian hàng Việt, chủ yếu là hàng hóa gia dụng phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Chị Nguyễn Thị Thơm, làm việc tại KCN VSIP, cho biết: “Thấy có chương trình giới thiệu hàng Việt tôi vào tham quan, mua được nhiều đồ dùng cần thiết cho gia đình. Hàng rõ nguồn gốc lại phù hợp với thu nhập của công nhân ngại gì mà không sử dụng”.

Còn tại phiên chợ hàng Việt về khu, cụm nghiệp được tổ chức mới đây tại xã An Tây, TX.Bến Cát, chúng tôi ghi nhận được ý thức của NTD, nhất là công nhân lao động trên địa bàn này đã được nâng lên một bước đáng kể, có cái nhìn rất tích cực về hàng Việt. Chị Nguyễn Thị Bích Kiều, ấp An Thuận, xã An Tây cho biết: “Các phiên chợ hàng Việt về khu cụm công nghiệp rất cần thiết tổ chức để công nhân mua được sản phẩm Việt Nam chất lượng. Các sở, ngành cần liên kết với DN, nhà sản xuất cung ứng thêm nhiều sản phẩm mới, có chương trình khuyến mại giảm giá trên nhiều sản phẩm để công nhân chúng tôi có nhiều cơ hội chọn lựa và ủng hộ hàng Việt”.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu

Với mục tiêu từng bước củng cố niềm tin và xây dựng thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt trong cộng đồng, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, đặc biệt là hàng của DN Bình Dương, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ DN trong việc đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may tỉnh, cho biết: “Để nâng cao ý thức tiêu dùng hàng hóa Việt cho công nhân, thời gian qua, Công đoàn ngành Dệt may tỉnh đã quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Việt Nam. Hàng năm, chúng tôi đều có các chương trình giới thiệu và đưa hàng Việt tới NLĐ nhằm nâng cao nhận thức, ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước”.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Phát triển Công nghiệp, Sở Công thương, thời gian qua trung tâm triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công, xúc tiến thương mại hỗ trợ DN đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp. Các hoạt động này đã góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các DN Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đến với nhiều NTD trong tỉnh, từng bước xây dựng uy tín, thương hiệu và sự tin tưởng của khách hàng đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Về phía các DN, nhất là những DN mới cũng đang tích cực nỗ lực quảng bá để gia tăng sự hiểu biết của NTD về sản phẩm mới đưa ra thị trường. Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng - Sản xuất Viland (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một), thương hiệu cà phê sạch Viland mới ra đời hơn một năm nhưng nhanh chóng khẳng định được chất lượng và uy tín với khách hàng. Anh Lưu Văn Hải, Giám đốc công ty, cho biết: “Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, chúng tôi thực hiện mục tiêu thay đổi nhận thức của khách hàng, tạo ra giá trị sản phẩm thương hiệu cà phê hữu cơ không hề trộn bất cứ hương liệu, hóa chất nào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tiếp thị bằng nhiều kênh, tham gia các hội chợ thương mại, chuyến hàng về nông thôn, khu cụm công nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm”.

Việc đưa hàng Việt tới tay người lao động thông qua các phiên chợ, chuyến hàng về nông thôn cũng sẽ làm cho các DN Việt hiểu rõ tâm lý, nhu cầu NTD và tiềm năng của thị trường nội địa. Từ đó mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nâng cao năng lực sản xuất để tạo ra sản phẩm, hàng hóa với chất lượng cao, đa dạng, giá cả cạnh tranh, từng bước đáp ứng nhu cầu của NTD.


Nguồn: http://baobinhduong.vn/

Lượt xem: 1508

Thống kê truy cập

Đang truy cập:826

Tổng truy cập: 18246645