Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Các mặt hàng trên thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều

2022-08-05 21:45:00.0

Các mặt hàng trên thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều

Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, đóng cửa ngày giao dịch 4/8, thị trường hàng hóa cho thấy những diễn biến trái chiều. Tuy nhiên, lực mua mạnh hơn vào cuối ngày đã giúp chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,1% lên mức 2.553,99 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.

Các mặt hàng trên thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều

Nông sản là nhóm dẫn dắt đà tăng trên thị trường khi toàn bộ 7 mặt hàng trong nhóm đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi đó, năng lượng là nhóm duy nhất giảm điểm trước sự lao dốc mạnh của giá xăng dầu. Giá trị giao dịch toàn Sở suy yếu nhẹ, ghi nhận ở mức hơn 3.700 tỷ đồng. 

Các mặt hàng trên thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều ảnh 1

Nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp đón nhận lực mua tích cực

Kết thúc ngày giao dịch 4/8, thị trường nông sản đồng loạt hồi phục mạnh mẽ.

Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng với mức tăng vọt lên tới 5,68%. Trong báo cáo Bán hàng xuất khẩu - Export Sales, bán hàng khô đậu tương niên vụ 2021/22 trong tuần kết thúc ngày 28/07 đã đạt mức gần gấp 6 lần so với báo cáo trước. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), điều này đang phản ánh phần nào nhu cầu tăng mạnh đối với khô đậu Mỹ trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh EU đẩy mạnh nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Những số liệu trên đã hỗ trợ mạnh đến giá khô đậu và gián tiếp thúc đẩy giá đậu tương. 

Đối với dầu đậu, dù đóng cửa trong sắc xanh do được hưởng lợi từ diễn biến đậu tương, tuy nhiên, việc khô đậu bật tăng mạnh cũng tạo áp lực trái chiều lên giá dầu đậu tương. Bên cạnh đó, tình hình nguồn cung dầu thực vật nới lỏng hơn do những chính sách nới lỏng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia cũng là nguyên nhân khiến đây là mặt hàng tăng yếu nhất nhóm nông sản.

Các mặt hàng trên thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều ảnh 2

Thời tiết khô hạn hiện đang là mối đe dọa đối với mùa màng tại một số bang gieo trồng lớn ở Midwest, nơi sản xuất tới 80% khối lượng đậu tương và ngô Mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định rằng năng suất mùa vụ năm nay sẽ không đạt được mức dự báo mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra. Lo ngại về sản lượng bị ảnh hưởng đã giúp giá đậu tương lấy lại sắc xanh sau 3 phiên giảm liên tiếp và giá ngô cũng đóng cửa với mức tăng 1,68%. 

Tương tự như diễn biến của ngô, giá lúa mì cũng trải qua một phiên giao dịch khởi sắc khi hồi phục trở lại từ mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. Việc Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) mua các đơn hàng lúa mì của Mỹ với khối lượng 50.910 tấn và 122.103 tấn trong các cuộc đấu thầu quốc tế cho thấy triển vọng tích cực về nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy giá lúa mì CBOT.

Các mặt hàng trên thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều ảnh 3

Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, lo ngại nguồn cung trong ngắn hạn tiếp tục thu hẹp đang là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng mạnh 2,17% của cà phê Arabica trong phiên hôm qua.

 

Cụ thể, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US giảm mạnh 29,202 bao (60kg), xuống 665.933 bao, mức thấp nhất trong vòng gần 23 năm trở lại đây. Cùng với đó là sản lượng trong tháng 7 sụt giảm tại 2 quốc gia sản xuất và xuất khẩu Arabica hàng đầu thế giới, Colombia và Honduras, đã đẩy giá Arabica về mức 219,30 USD. Bên cạnh đó, đồng Real phục hồi sau 2 phiên suy yếu trước đó đã hạn chế lực bán từ nông dân Brazil và hỗ trợ cho giá.

Giá dầu gặp áp lực trước lo ngại về nhu cầu suy yếu

Sắc đỏ tiếp tục duy trì trên thị trường dầu thô trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng chậm lại ngày một rõ ràng. Giá dầu WTI đánh mất mốc 90 USD với mức giảm 2,34%, về 88,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng giảm 2,75% về 94,12 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu thô đang ở trong vùng giá thấp nhất trong gần 6 tháng.

Các mặt hàng trên thị trường hàng hóa diễn biến trái chiều ảnh 4

Theo MXV, thị trường vắng bóng các chất xúc tác mới có khả năng gây ảnh hưởng lên giá, nên các nhà đầu tư tiếp tục hấp thụ các tác động tiêu cực từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Mức tiêu thụ xăng trung bình trong bốn tuần của Mỹ, thước đo tốt nhất cho nhu cầu của nước này, hiện đã giảm về 8,59 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. 

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hôm qua cũng đã tiến hành tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát leo thang. Tuy nhiên, đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 27 năm có thể khiến cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái, và kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu cũng bị ảnh hưởng.

Dữ liệu vĩ mô cuối tuần sẽ tác động mạnh đến thị trường hàng hoá

Trong bối cảnh giá các mặt hàng trên thị trường hàng hoá, đặc biệt là hai nhóm năng lượng và kim loại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tiêu thụ trong thời gian gần đây, thị trường tiếp tục chờ đợi thêm các thông tin nhằm đánh giá tình hình sức khỏe của nền kinh tế. Tối nay, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ cho các nhà đầu tư những manh mối về thị trường lao động, một trong các thước đo quan trọng nhằm đánh giá về mức độ rủi ro về suy thoái kinh tế.

MXV cho biết, giá dầu và kim loại là những mặt hàng thường có biến động rất lớn khi những dữ liệu này được công bố. Trong thời gian gần đây, dầu thô có xu hướng chịu sức ép do lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu về dầu hơn là những rủi ro về nguồn cung. Nếu như dữ liệu việc làm tiêu cực, cụ thể, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp thấp hơn hoặc dao động quanh mức dự báo 250.000, tương đương với mức giảm hơn 100.000 so với tháng 6, giá các mặt hàng đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại sẽ gặp áp lực trước bức tranh tăng trưởng tiêu cực.

 


https://nhandan.vn

Lượt xem: 9219

Thống kê truy cập

Đang truy cập:450

Tổng truy cập: 17922494