Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022

2022-07-16 02:21:00.0

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022

 

Sáng ngày 14 tháng 7 năm 2022, tại điểm cầu Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022 của ngành Công Thương. Hội nghị dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và sự tham gia của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và được trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị đã nghe Báo cáo sơ kết 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022 của Bộ Công Thương cùng các tham luận, kiến nghị của địa diện các Cục, Vụ, Viện, UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành.

06 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực, 06 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ. 

Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 29,2%), đạt hơn 186 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 5,8%. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

06 tháng đầu năm 2022, thị trường thế giới có nhiều biến động, giá hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên xu hướng tăng, toàn ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nên nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp, kể cả trong những giai đoạn nhu cầu tăng cao. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 06 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực; hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở và Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở đồng chủ trì Hội nghị sơ kết ngành Công Thương 06 tháng đầu năm 2022 tại đầu cầu tỉnh Bình Dương

06 tháng cuối năm 2022, để tiếp tục phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022 cho ngành Công Thương. Hội nghị đã xác định ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2022, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành…

Hai là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón…cho sản xuất và sinh hoạt.

Ba là, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời.

Bốn là, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất: Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.

Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

       


Kim Cúc – Văn phòng Sở

Lượt xem: 5899

Thống kê truy cập

Đang truy cập:410

Tổng truy cập: 17946838