Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương tăng cường quản lý, bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu

2022-10-27 08:09:00.0

Sở Công Thương Bình Dương tăng cường công tác quản lý, chú trọng bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.

Bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường

Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầy đủ, bình ổn thị trường, kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022.

Bình Dương tăng cường quản lý, bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu
Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầy đủ, bình ổn thị trường, kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết: Thời gian qua Sở đã phối hợp cùng các sở ngành có liên quan và các doanh nghiệp hoạt động thương mại, đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng hàng hoá nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh thông thường...

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức hệ thống phân phối hàng hoá bán hàng bình ổn giá với nhiều hình thức như: Chuỗi cửa hàng, đại lý, các điểm bán hàng ở vùng nông thôn, các khu cụm, khu công nghiệp đăng ký giả và bán theo giá niêm yết với cơ quan quản lý nhà nước, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 330 chợ, siêu thi, trung tâm thương mại và của hàng tiện lợi. Trong đó, có 97 chợ truyền thống đang hoạt động, 11 siêu thị hiện hữu và hệ thống 222 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Ngoài ra, các đơn vị tham gia bình ổn thị trường cũng tổ chức các điểm bản hàng lưu động bình ổn tại các xã nông thôn.

Đáng chú ý, ngay từ đầu năm 2022, Sở Công Thương Bình Dương đã xin chủ trương thành lập Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đến các địa phương. “Riêng mặt hàng xăng dầu, Bình Dương vẫn đảm bảo đủ lượng dự trữ để cung ứng thị trường (đã giao nhiệm vụ cho Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ và Công ty Xăng dầu Sông Bé) trong kho xăng dầu dự trữ 52.000 m3” – ông Nguyễn Thanh Toàn thông tin.

Song song đó, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường luôn được tăng cường thường xuyên và xử lý kịp thời các hành vi găm hàng để đầu cơ nâng giá bất hợp lý tại các chợ, cửa hàng, các nhà phân phối, kho hàng, siêu thị, Trung tâm Thương mại...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Toàn cũng thừa nhận, việc triển khai các chương trình, kế hoạch bình ổn thị trường đến các doanh nghiệp chưa được sâu rộng, hiệu quả chưa đạt mong đợi. Cùng với đó, Sở cũng chưa tổ chức được điểm bán hàng bình ổn tại các chợ truyền thống mà chỉ thực hiện kiểm tra việc chỉ đạo cho Ban quản lý chợ tổ chức niêm yết giá và bản theo giá niêm yết tại chợ.

Nâng chất chương trình bình ổn thị trường

Có thể thấy, Chương trình bình ổn giá, thị trường của tỉnh Bình Dương đã hoàn thành tốt mục tiêu thúc đẩy cung cầu hàng hóa cho thị trường, phát triển nhanh hệ thống phân phối, đưa hàng bình ổn đến với người tiêu dùng nhanh nhất.

Để chương trình tiếp tục triển khai sâu rộng bên cạnh việc chuẩn bị kỹ các kịch bản bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối... Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả hàng hóa thị trường chịu nhiều sức ép do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, xăng dầu…

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết: Sở Công Thương đề xuất các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định đời sống của người dân…

Cụ thể, tập trung kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu thông qua đại lý, cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn để từng bước xác lập thị trường để góp phần kiềm chế lạm phát.

Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng hệ thống, hình thức phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để người dân có thể tiếp cận được hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức bán hàng qua hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường trong và ngoài nước, nhất là thị trường khu vực các tỉnh phía Nam, Đặc biệt, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam…

Nhìn chung, Chương trình bình ổn giá, thị trường của tỉnh Bình Dương thời gian qua đã quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Qua đó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầy đủ, bình ổn thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Chương trình bình ổn thị trường của tỉnh Bình Dương được triển khai liên tục từ cuối năm 2008 đến nay. Trong đó tập trung vào những tháng cuối năm nhất là dịp Tết Nguyên đán và bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập, dụng cụ học sinh trước những năm học.

Cụ thể, mặt hàng bình ổn là: Lương thực (gạo, nếp...); thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, bánh mứt, kẹo...); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả...), mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người và từ cuối năm 2020 bắt đầu bình ổn giá mặt hàng phòng, chống dịch bệnh (khẩu trang, thiết bị y tế phòng chống dịch, sinh phẩm test nhanh...).

 

 

https://congthuong.vn

Lượt xem: 2408

Thống kê truy cập

Đang truy cập:936

Tổng truy cập: 17939932