Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

BÌNH DƯƠNG TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG SẢN

2023-05-19 08:48:00.0

Nông sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống và trong sản xuất công nghiệp chế biến, kinh doanh; sản xuất nông sản ngày càng trở nên có chiều hướng tăng trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, quy mô phát triển sản lượng cây ăn trái và nông sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển rất khả quan.

Năm 2022, Việt Nam cũng đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc; mật ong sang EU. Cùng với đó, Việt Nam đã khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như dệt, may, gỗ, cơ khí…thì nhóm hàng nông lâm sản là mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Một số mặt hàng chủ lực của nhóm này như: cà phê, hạt điều, cao su, hạt tiêu, thực phẩm nông sản – thủy sản chế biến, thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal.

Một số sản phẩm nông sản xuất khẩu đạt chuẩn Halal (ảnh minh họa)

Để tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm nông sản, từ nay đến năm 2030, ngành Công Thương sẽ phối hợp với các ngành, các cấp để khai thác lợi thế nhằm gia tăng sản lượng nông, lâm, thủy sản; chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến chuyên sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu. Đó là kết quả của sự liên kết từ các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông; muốn như vậy, cần một số biện pháp cụ thể như:

Thứ nhất, tuyên truyền, vận động khuyến khích nông dân tích cực áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, kỹ thuật, con giống mới, các tiêu chuẩn, chứng nhận phù hợp với xu thế thị trường yêu cầu (Vietgap. Globalgap, EurGap, Hữu cơ, Halal...).

Thứ hai, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình chuỗi; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Thứ ba, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong việc sản xuất, kinh doanh và đưa các sản phẩm nông sản vào Siêu thị, TTTM.

Thứ tư, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan tỏa, cùng liên kết, hợp tác và phát triển. Tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó đặc biệt là FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP, VJEPA...). Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4-5 sao của tỉnh tham gia xuất khẩu.

Vườn cây ăn trái của nông dân trồng tại địa bàn huyện Phú Giáo

Cùng với đó, xây dựng các kế hoạch về phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước cũng như đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản và các kế hoạch khác có liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị phần, mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của nhà nông, đóng góp thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà./.

 


Diệu Hằng – Phòng Quản lý Thương mại

Lượt xem: 4185

Thống kê truy cập

Đang truy cập:356

Tổng truy cập: 18250643